Chuyên gia khuyến nghị cần sớm xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC

Các chuyên gia cho rằng nên để thị trường điều tiết giá vàng, trên thế giới coi vàng là một loại hàng hóa rất bình thường, trái lại ở Việt Nam, vàng trở nên 'ghê gớm'.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định. (Ảnh: Vietnam+)

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định. (Ảnh: Vietnam+)

Nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp hành chính như thanh tra thị trường, yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá... là các biện pháp không tốn dự trữ ngoại hối nhưng có thể mang tới hiệu quả cao tức thì đối với thị trường vàng ở thời điểm hiện tại.

Ngày 17/5, tại tọa đàm "Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, nhóm Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết kể từ năm 2021, giá vàng thế giới và trong nước có nhiều biến động. Nguyên nhân được cho là do nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều biến động địa chính trị. Bên cạnh đó, những thông tin lạm phát Mỹ tăng cao ngoài dự đoán đã ảnh hưởng đến diễn biến giá vàng thế giới.

Gần 10 năm qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm khoảng 140% và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.431 USD/ounce (ngày 12/4/2024). Trong nước, 4 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 30%. Đáng chú ý, giá vàng trồi sụt thất thường, điều chỉnh nhiều lần trong một ngày.

Nhìn vào lịch sử giá vàng, nhóm nghiên cứu cho rằng, có nhiều giai đoạn không cần nhập khẩu vàng, không cần phá độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, chênh lệch giá vàng vẫn có những giai đoạn dài được kiểm soát, giá vàng trong nước và thế giới đồng pha gần như tuyệt đối. Ngược lại, có giai đoạn nhập khẩu vàng lớn nhưng chênh lệch giá vàng vẫn ở mức cao.

Cụ thể, giai đoạn 2014-2015, vàng trong nước cao 10%-20% giá vàng thế giới dù đã nhập tới 74 tấn vàng. Điều này khẳng định sự cần thiết phải tính đến các phương án khác để giảm chênh lệch giá vàng, chứ không đơn giản là hy sinh dự trữ để mua vàng về bán.

Giai đoạn 2016-2019 là giai đoạn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới gần như bằng 0. Đây là giai đoạn kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn, bước vào chu kỳ ổn định và tăng trưởng cao.

Giai đoạn 2019-2020 là giai đoạn thử thách sóng vàng thế giới lần 1. Giá vàng thế giới tăng mạnh 55% và giá vàng trong nước tăng theo tương ứng, chênh lệch giá vàng vẫn không đáng kể. Đây là bằng chứng để phủ định lập luận cho rằng, vì có sóng vàng thế giới (như đang xảy ra trong năm 2024), nên người dân tăng nhu cầu mua vàng và kéo tăng chênh lệch.

Giai đoạn 2021-2024 là giai đoạn “chú ngựa” chênh lệch giá vàng bắt đầu mất kiểm soát. Đây cũng là giai đoạn lãi suất có nhiều biến động.

Từ 8/2023 đến hiện tại giá vàng trong nước và thế giới cùng có xu hướng tăng, tuy nhiên nếu quan sát kỹ thì có 2 giai đoạn giá vàng trong nước tăng trong khi giá vàng thế giới đi ngang, nới rộng chênh lệch giá vàng lên 32% và 26%.

Lãi suất thấp, kênh chứng khoán và bất động sản đều trầm lắng, nương theo giá vàng thế giới thì vàng trong nước rất dễ tạo sóng.

Từ thực tế kể trên, nhóm nghiên cứu khẳng định: "Việc giảm giá vàng không chỉ dựa vào nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn. Hành động này sẽ lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết."

 Giá vàng tăng khiến nhiều người dân "đổ xô" đi mua vàng. (Ảnh: Vietnam+)

Giá vàng tăng khiến nhiều người dân "đổ xô" đi mua vàng. (Ảnh: Vietnam+)

Nhóm nghiên cứu cho rằng, các biện pháp hành chính như thanh tra thị trường, yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá... là các biện pháp sẽ không tốn dự trữ ngoại hối nhưng có thể mang tới hiệu quả cao tức thì đối với thị trường vàng ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, công cụ tiền tệ, như lãi suất, cũng "góp công" giúp ngăn các loại bong bóng tài sản, gồm vàng.

Đấu thầu vàng là tác nhân đẩy giá lên cao

Tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng ở góc độ nào đó, việc đấu thầu vàng miếng còn là tác nhân đẩy giá vàng lên cao hơn. Theo ông Cường, việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá trong nước đi xuống như mực tiêu. Để việc đầu thấu đạt mục tiêu, ông Cường cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập Think Future Consultancy cũng phân tích, giá vàng miếng SJC tăng "điên cuồng" bởi tâm lý đầu cơ của người dân.

Ông Hùng Linh dẫn chứng: “Nếu như năm 2022 chúng ta thấy bong bóng tài sản ở lĩnh vực chứng khoán và bất động sản khi người nội trợ cũng mở tài khoản chứng khoán, rồi chứng khoán và bất động sản tăng nóng nhưng sau đó đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023 mọi người đầu tư chứng khoán và bất động sản đua nhau cắt lỗ. Còn năm nay thì sao, giá nhà chung cư đang ở nền rất cao và rõ ràng nhất là bong bóng giá vàng. Nền lãi suất thấp là yếu tố dễ hình thành các yếu tố bong bóng, yếu tố đầu cơ cao đẩy giá vàng tăng vọt. Giá vàng tăng, mọi người nhao đi mua vàng. Có nhiều người bản thân họ không có kinh nghiệm phân tích giá vàng ra sao những vẫn đi mua."

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng độc quyền vàng miếng SJC cũng khiến tình trạng khan vàng SJC trở nên căng thẳng.

Ông Nghĩa nhấn mạnh: "Vàng không có gì ghê gớm, nên để thị trường điều tiết. Trên thế giới coi vàng là một loại hàng hóa rất bình thường. Trái lại ở Việt Nam, vàng trở nên ghê gớm, không ít thời điểm chúng ta hoảng loạn vì vàng."

Về câu chuyện chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, ông Nghĩa nhấn mạnh chênh lệch đến mức vô lý.

Việc độc quyền vàng miếng SJC đã tồn tại nhiều năm qua, trong giai đoạn trước không có sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ngày càng giá tăng, theo ông Nghĩa, mức chênh lệch này đến mức vô lý.

 Các chuyên gia kiến nghị cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC. (Ảnh: Vietnam+)

Các chuyên gia kiến nghị cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Nghĩa đặt vấn đề có phải do chênh lệch cung cầu hay không, hay do các tác động không khi vẫn là chính sách độc quyền vàng miếng SJC, độc quyền xuất nhập khẩu vàng, nhưng những năm gần đây mới có sự biến động lớn, chênh lệch giá đẩy cao.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, ngoài đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, bỏ độc quyền nhập khẩu và xuất khẩu vàng nguyên liệu, cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo hạn ngạch. Nhà nước có thể quản lý vàng nhập khẩu thông qua chính sách thuế./.

Như Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, ngày 16/5, tại buổi họp báo kinh tế-xã hội định kỳ Thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đề xuất Nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được dập vàng miếng.

Bà Hằng lý giải, từ thời điểm này, vàng miếng SJC được chọn làm thương hiệu quốc gia và doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng, không được dập vàng miếng.

"Sau 12 năm là thương hiệu quốc gia, chúng tôi không có lợi ích gì," bà Hằng chia sẻ./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-khuyen-nghi-can-som-xoa-bo-doc-quyen-vang-mieng-sjc-post950987.vnp