Chuyên gia đề xuất giải pháp nguồn nước thoát hạn cho Nam Bộ

Tiền Giang vừa là tỉnh đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán. Liệu tỉnh nào sẽ là tỉnh tiếp theo công bố tình trạng khẩn cấp? Giải pháp nguồn nước nào cứu hạn mặn ở Nam Bộ?

Nguyên nhân tình trạng hạn mặn ngày càng nghiêm trọng

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, cách đây đúng 1 tháng (ngày 6/3) ông đã cảnh báo hạn hán nghiêm trọng ở Nam Bộ. Đến nay, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long đã trở nên nghiêm trọng. Bà con ở Tân Thới Đông, Tiền Giang trong nhiều ngày nay đã phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày để nhận từng can nước được chở từ nơi khác đến.

Ngày 6/4, Tiền Giang là tỉnh đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán. Liệu tỉnh nào sẽ là tỉnh tiếp theo công bố tình trạng khẩn cấp? TS Huy cho biết, Cà Mau đã 4 tháng không có mưa khiến sông hồ cạn kiệt, các dòng kênh lớn, nhỏ cạn trơ đáy để lộ ra những lớp muối trắng kết tinh trên bề mặt bùn. Nước ngầm tụt giảm làm nền đất trở nên rỗng xốp và kéo theo sạt lở trên diện rộng. Hạn hán là một loại thiên tai diễn tiến từ từ, chầm chậm nhưng lại gây nên hậu quả về sinh kế và kinh tế trên diện rộng. Chúng ta chỉ nhận ra mình cần có nước khi giếng nhà mình cạn khô.

Miền Tây đang hạn mặn kỷ lục, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ngày càng nghiêm trọng.

Có nhiều nguyên nhân làm cho hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng gồm có việc nhiều siêu dự án thủy điện chặn dòng chính Mekong được vận hành và đưa vào sử dụng thời gian qua. Việc đóng cống ngăn mặn làm tụt mực nước ngầm. Khi bắt đầu bị hạn mặn vào đầu tháng 12 thì phản ứng tự nhiên của Việt Nam đó là chặn nước biển vào sông. Việc này là phản ứng bình thường vì nếu không đóng cống sẽ có nguy cơ không gieo cấy được lúa vụ 3 ở hầu hết các tỉnh. Không những thế, mặn có thể xâm nhập sâu và các nhà máy nước sinh hoạt có thể không lấy được nước để cấp nước cho các đô thị.

Tuy nhiên, việc không cho nước biển vào kết hợp với nước nguồn không về khiến cho mực nước ở các lòng sông hạ thấp kỷ lục. Khi nước ở các lòng sông hạ thấp thì nước ngầm ở các vườn cây ăn trái, ở kênh mương nội đồng sẽ bị tụt theo. Đây là cơ chế bình thường trong tự nhiên khi nước luôn lắng xuống chỗ trũng. Nếu chỗ trũng đầy nước nó sẽ dâng lên chỗ cao dù chỗ cao là nước hay là đất.

Như vậy có thể thấy, việc đóng cống ngăn mặn có thể bước đầu giữ được lượng nước ngọt ít ỏi từ thượng nguồn về. Nhưng về lâu dài, việc đóng cống ngăn mặn không giải quyết được vấn đề nữa vì có còn nước ngọt đâu mà giữ. Nếu giữ thì có thể ngăn nó không lên cao quá Cần Thơ ảnh hưởng nước sinh hoạt đô thị và diện tích lúa vụ 3 của các tỉnh ở giữa đồng bằng.

Ngoài ra, hạn mặn còn do khai thác nước ngầm quá mức làm sụt lún đất và nước mặn vào sâu thêm. Hầu hết hệ thống canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đang áp dụng phương pháp tưới tràn. Cách tưới này phù hợp với bối cảnh xưa khi các đập thủy điện thượng nguồn chưa có. Nhưng giờ đây cách này là cách phí phạm nguồn nước nhất.

Các nhanh sông ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nước ngọt nhưng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khu công nghiệp đẩy hết chất thải xuống sông và vì thế nước có còn cũng không dùng được nữa.

Nguồn nước nào bổ sung giải cơn khát hạn hán?

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, sẽ không có một giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tốt hơn các giải pháp khác mà thôi. Giải pháp công trình là phải xây dựng hồ chứa nội đồng và liên hồ chứa trên các nhanh sống nhỏ. Các hồ chứa này là những nhánh sông và kênh rạch nội đồng được nạo vét sâu, làm các cửa cống lấy nước tự nhiên vào mùa mưa và đóng lại vào mùa khô. Những nơi cần nguồn nước cấp chủ động có thể lắp hệ thống máy bơm 2 chiều để tích nước được nhiều hơn.

Như vậy, thay vì làm cống chặn nước mặn vào, ta làm cống giữ nước để nước ngọt không đi ra ngoài. Các hệ thống cống giữ nước ngọt vào mùa mưa, sử dụng trong mùa khô chỉ nên áp dụng ở các nhánh sông nhỏ không có thuyền bè qua lại và điều quan trọng là nó ít nó không phá vỡ cân bằng sinh thái, không làm ảnh hưởng đa dạng sinh học.

Hồ chứa lớn nội đồng nên được quy hoạch theo tỉnh và bắt buộc phải được kết nối với các kênh rạch tự nhiên để có thể lấy nước tự chảy từ hệ thống sông tự nhiên vào mùa lũ và đóng cống trong mùa hạn. Các hồ nước này cần được bảo vệ nghiêm ngặt và được vận hành bởi một ủy ban điều phối nguồn nước liên tỉnh hoặc ít nhất là cấp tỉnh. Nhiệm vụ của hồ nước này là cấp nước cho hệ nước sinh hoạt, nước cho gia súc gia cầm, chế biến, tưới tiêu và sau cùng mới đến các ngành khác.

Hồ chứa dạng vừa nên có ở quy mô các huyện, xã nhằm điều phối cho nhu cầu sử dụng nước tưới tiêu. Các hồ chứa có chức năng tích nước vào mùa mưa và cấp nước vào mùa hạn. Các hồ chứa nội đồng sẽ "ngốn" một diện tích đang trồng lúa nhất định. Tuy nhiên thà mất một phần diện tích đất lúa để có nước để cứu cả huyện hơn là cả huyện khát khô.

TS Nguyễn Ngọc Huy đề xuất không xây thêm cống ngăn mặn. Đã có rất nhiều cống ngăn mặn chặn các dòng chính hoặc nhánh lớn nối ra biển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là khu vực vốn dĩ là một đồng bằng bồi đắp bởi phù sa và vì vậy đây là một nền đất yếu, tương đối bằng phẳng và thấp. Với địa hình như vậy, việc xây cống phải đi kèm với việc xây đê vì nếu cống mà không có đê nước mặn cũng vào ruộng đồng.

Việc xây cống cũng sẽ ảnh hưởng trong quản lý rủi ro lũ lụt. Các cống ngăn mặn cỡ lỡn sẽ cản trở quá trình thoát lũ khi có sự cố thủy điện thượng nguồn và nguy cơ ngập lụt ở khu vực giữa đồng bằng sẽ cao. Việc xây cống ngăn mặn ở các nhánh lớn của sông Mekong cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến đa dạng sinh học. Cửa sông là nơi các loài cá di cư đi vào sông để đẻ trứng. Khi sông bị chặn, chúng không còn khả năng sinh sản và giảm dần về số lượng, mật độ trong loài. Việc biến mất của một loài không chỉ mỗi loài đó bị tuyệt chủng mà nó kéo theo các loài khác trong chuỗi thức ăn. Và vì thế, sinh kế của ngư dân cả bên trong sông và ngoài biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nên cấm khai thác nước ngầm bởi việc này khiến Đồng bằng sông Cửu Long càng ngày càng bị lún sâu và chẳng mấy chốc bị thấp hơn mặt nước biển. Việc khai thác nước ngầm quá nhiều cũng khiến nước ngọt ở các sông hồ bị tụt theo. Vì vậy, chấm dứt từng bước và triệt để theo kế hoạch chuyển đổi chậm nhất trong 2 năm tới là cần thiết. Việc chấm dứt này kèm theo việc thay thế bằng hệ thống lọc RO quy mô cụm gia đình và gia đình cần được tiến hành đồng thời, cùng với đó là xây dựng hệ thống tích trữ nước mưa ở hộ gia đình, cơ quan đoàn thể.

Về giải pháp phi công trình, TS Nguyễn Ngọc Huy cho rằng người dân phải có ý thức tiết kiệm nước, tiếp đó là chuyển đổi từ đất lúa vụ 3 sang các mô hình tôm lúa hoặc tôm. Việc này sẽ giúp tiết kiệm một lượng nước vô cùng lớn dùng cho các nhu cầu khác trong mùa hạn. Việc chuyển đổi này phải tiến hành đồng bộ cho cả vùng Mekong delta chứ không chỉ riêng ở hạ lưu. Bởi nếu trồng vụ 3 ở thượng nguồn thì nước bị lấy vào ruộng ở thượng nguồn cũng ảnh hưởng đến lượng nước ngọt về hạ lưu.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-de-xuat-giai-phap-nguon-nuoc-thoat-han-cho-nam-bo-169240407112512562.htm