Chưa giàu cùng tôm - lúa

Tôm - lúa là một hình thái canh tác đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến. Mô hình không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn giúp giảm nhẹ thiệt hại trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là rất phù hợp cho việc canh tác theo các tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ. Tuy nhiên, do vướng 2 nút thắt quan trọng nên mô hình vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, nông dân vẫn chưa thể làm giàu với mô hình này.

Báo cáo của Cục Thủy sản tại Hội thảo “Thúc đẩy mô hình tôm - lúa và liên kết doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu vào ngày 30/3 có nêu, năm 2022, diện tích nuôi tôm - lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long ước đạt gần 190.000ha, chủ yếu tập trung tại các tỉnh như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... với sản lượng đạt khoảng 120.000 tấn tôm thương phẩm với đối tượng chủ lực là tôm sú. Lợi nhuận bình quân của mô hình tôm lúa từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang gặp nhiều khó khăn như: thiếu hệ thống thủy lợi, kỹ thuật canh tác chưa tối ưu, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát triển được thị trường tiêu thụ ổn định... nên người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân chưa có hoặc chưa chặt chẽ. Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng con giống còn hạn chế; nông dân còn ngại thay đổi, chưa mạnh dạn đầu tư và cùng với đó là những thách thức cho việc ứng dụng khoa học - công nghệ do hiện trạng đất đai, hạ tầng phục vụ sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún...

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế mô hình tôm - lúa tại hội thảo. Ảnh: TÍCH CHU

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế mô hình tôm - lúa tại hội thảo. Ảnh: TÍCH CHU

Theo các đại biểu tham dự hội thảo, tính bền vững cũng như khả năng mở rộng hay nhân rộng của mô hình tôm - lúa phụ thuộc nhiều vào việc giải quyết 2 nút thắt, đó là: kiểm soát nguồn nước cấp và chứng nhận sản phẩm. Theo đó, nguồn nước cấp vào ruộng tôm - lúa hiện mới chỉ kiểm soát thụ động dựa trên kết quả quan trắc tại chỗ, lịch lấy nước theo triều cường, đóng cống kênh cấp vào ruộng. Kiểm soát nguồn nước chưa triệt để, tại nguồn, nên chưa ngăn chặn hữu hiệu được mầm bệnh lây lan theo nguồn nước cấp vào ruộng tôm - lúa. Vì vậy, giải pháp cho vấn đề này được các đại biểu đề xuất là quan trắc nguồn nước cấp và đầu tư xây dựng kênh cấp nước riêng.

Liên quan đến nút thắt về điều kiện cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi phục vụ mô hình tôm - lúa, ông Trần Công Khôi - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) thừa nhận, một trong những khó khăn cho việc phát triển mô hình tôm - lúa đó chính là điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là vấn đề thủy lợi cho cả con tôm lẫn cây lúa. Ông Khôi cho biết: “Vấn đề này đã có hệ thống pháp lý rồi. Các chính sách và các dự án thủy lợi cho nuôi trồng đang tiến hành cũng khá nhiều. Tuy nhiên, trong 2 năm tới đây, vốn trung hạn không đưa vào được nữa mà phải qua giai đoạn 2025 - 2030 thì vốn trung hạn mới được ghi vào, khi đó chắc chắn sẽ có những dự án đầu tư cho thủy lợi của đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nuôi trồng thủy sản”.

Mô hình tôm - lúa ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã được doanh nghiệp đầu tư đạt chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm lúa. Ảnh: TÍCH CHU

Mô hình tôm - lúa ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã được doanh nghiệp đầu tư đạt chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm lúa. Ảnh: TÍCH CHU

Thời gian qua, đã có một số diện tích đạt chứng nhận ASC cho con tôm, và chứng nhận hữu cơ cho cây lúa. Tôm đạt chứng nhận ASC và lúa đạt chứng nhận hữu cơ sẽ tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm của dự án, giúp nông dân không bị phụ thuộc vào thương lái khi bán sản phẩm, bán với giá cao hơn sản phẩm thông thường, qua đó tăng lợi nhuận, tạo động lực cho hộ tiếp cận nguồn tài chính xanh theo mục tiêu của dự án. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, sản phẩm tôm và lúa được chứng nhận chưa nhiều. Đây chính là nút thắt thứ hai của chuỗi cung tôm - lúa của dự án. Do đó, để nhân rộng hay mở rộng mô hình cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này, nhất là các dự án có liên quan cũng cần hỗ trợ các nhóm nông dân trong quá trình lập hồ sơ và theo đuổi cho đến khi sản phẩm được chứng nhận.

Tuy chương trình ứng dụng công nghệ sinh học vào mô hình tôm - lúa trong 3 năm qua đã giúp nông dân giảm được từ 30 - 50% chi phí đầu vào, nhờ giảm thuốc bảo vệ thực vật và giá bán cao hơn từ 5 - 10% đối với tôm, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hằng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Bồ Đề, nông dân làm tôm - lúa thời gian qua chỉ mới đạt ngưỡng đủ ăn thôi chứ hầu hết chưa thể làm giàu. Bà Hằng chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ sinh học vào mô hình tôm - lúa là một trong những giải pháp hữu hiệu không chỉ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và gia tăng lợi nhuận, mà còn có cái lợi là sản phẩm trong mô hình (tôm và lúa) rất dễ đạt các chứng nhận quốc tế. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, năng suất của cả tôm lẫn lúa trong mô hình chưa cao, cộng thêm sản xuất nhỏ lẻ nên rất khó để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết”.

Đối với khó khăn trên, theo ông Nguyễn Văn Vượng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, tiềm năng mở rộng năng suất cho cả tôm và lúa là khả thi nếu nông dân áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” hay “3 giảm, 3 tăng” cho cây lúa và bổ sung thức ăn cho con tôm, kể cả giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm. Ông Vượng phân tích: “Sau khi ương, tôm đã lớn nên ao nuôi luôn thiếu thức ăn là nguyên nhân làm cho tôm chậm lớn, năng suất thấp trong thời gian qua, nên ngoài việc tạo thức ăn tự nhiên, người nuôi cũng cần bổ sung thêm thức ăn công nghiệp. Giải pháp tiếp theo là trong một số vùng, sau khi thu hoạch lúa người dân chuẩn bị đón nước mặn vào nhưng cũng có những vùng sẽ không có nước mặn ngay để đưa vào. Do đó, để giai đoạn ương được tốt cần chuẩn bị trước nguồn nước ót để pha nhằm tiết kiệm thời gian, vì chi phí nước ót là không lớn, nhưng thời gian tiết kiệm đến cả tháng là rất lớn đối với một mùa vụ”.

Tôm - lúa là mô hình không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn giúp giảm nhẹ thiệt hại trước biến đổi khí hậu và đặc biệt là rất phù hợp cho việc canh tác theo các tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ. Do đó, để phát huy tiềm năng, lợi thế của mô hình, nhằm tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù, có tính cạnh tranh cao cần có giải pháp đồng bộ, nhằm tháo gỡ 2 nút thắt trên cũng như những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn sản xuất.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/chua-giau-cung-tom-lua-64335.html