Chủ tịch VietinBank: Chúng tôi tự tin về chất lượng tín dụng hiện nay

Theo ông Trần Minh Bình, mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản và nguồn vốn theo dự kiến 2024 là mức thấp nhất, VietinBank sẽ cố gắng thực hiện cao hơn.

Tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,7%

Sáng 27/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank – HoSE: CTG) đã diễn ra thành công với sự tham dự của 106 đại biểu, đại diện cho 322 cổ đông, sở hữu hơn 4,6 tỷ cổ phiếu, chiếm 87,33% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại đại hội, HĐQT VietinBank đã trình nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch kinh doanh năm 2024, phương án phân phối lợi nhuận 2023, tăng vốn điều lệ và nhiều nội dung khác.

Theo đó, năm 2024, VietinBank đặt ra kế hoạch kinh doanh với tổng tài sản ở mức 8 - 10% so với năm 2023 và tỉ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,8%.

Các chỉ tiêu còn lại như dư nợ tín dụng, lợi nhuận trước thuế, tỉ lệ an toàn hoạt động sẽ theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Trong giai đoạn từ năm 2024 - 2029, VietinBank dự kiến mức tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ tín dụng và nguồn vốn huy động đều có thể đạt 9 - 10%/năm. Tỉ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2% và tỉ lệ an toàn vốn bảo đảm theo quy định.

Khi cổ đông đặt câu hỏi về kế hoạch kinh doanh 2024, VietinBank có giải pháp nào để thực hiện mục tiêu đề ra, Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết, hàng năm, ngân hàng luôn rà soát, chỉnh sửa kế hoạch phù hợp với thị trường dựa trên nghiên cứu và ý kiến của các chuyên gia.

“Chúng tôi đánh giá kế hoạch có tính khả thi rất cao, xác suất thành công lớn. Về kế hoạch năm 2024, mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản và nguồn vốn theo dự kiến hiện đang để ở mức thấp nhất, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện cao hơn”, ông Bình chia sẻ.

Về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Bình cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến hết thời điểm quý I là 3,7% và ở thời điểm hiện tại là 4,1%.

Với kế hoạch và kết quả như vậy, VietinBank đưa ra cam kết sẽ dùng nhiều biện pháp để giữ đà tăng trưởng lợi nhuận từ 5-10% trong năm 2024, trên cơ sở việc tăng thu ngoài lãi, kiểm soát chi phí để có cơ cấu huy động vốn hiệu quả nhất.

Muốn dành 14.000 tỷ đồng lợi nhuận chia cổ tức

Tại phiên thảo luận đại hội, khi được cổ đông đặt câu hỏi về vấn đề dự báo nợ xấu, liệu nợ xấu tại VietinBank đã qua đỉnh hay chưa, thành viên HĐQT ông Nguyễn Thế Huân cho biết, năm 2023 diễn biến nợ xấu có xu hướng tăng, năm 2024, trên cơ sở nhìn nhận đánh giá của các cơ quan quản lý, ngành ngân hàng vẫn chịu áp lực về gia tăng nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế diễn biến khó lường.

Nội tại đất nước ta vẫn còn khó khăn nhất là một số ngành như bất động sản. Nhìn chung, 2024 vẫn là 1 năm ngành ngân hàng đối diện với áp lực nợ xấu tăng cao.

Hiện NHNN đã đề xuất gia hạn Thông tư 02 tới hết 2024, đây là chính sách giúp đối phó với nợ xấu, là giải pháp giúp doanh nghiệp và ngành ngân hàng xử lý nợ xấu.

Theo ông Huân, cuối năm 2023, tỉ lệ nợ xấu tại VietinBank là 1,13% và nợ nhóm 2 khoảng 1,55%. Trong năm 2024, nhìn nhận bối cảnh chung và rà soát đánh giá nội tại ngân hàng, VietinBank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 1,8% và nợ nhóm 2 dưới 3%.

VietinBank luôn giữ nguyên tắc luôn luôn chủ động kiểm soát nợ xấu, đưa ra hạn mức đối với khách hàng, ngành hàng, chủ động lựa chọn khách hàng, phân tán rủi ro, nhận diện sớm rủi ro, phân luồng từ sớm để xử lý kịp thời.

Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình phát biểu tại Đại hội.

Nói thêm về việc xử lý nợ xấu, Chủ tịch Phạm Minh Bình cho biết, hiện chất lượng tín dụng được kiểm soát, ngân hàng có phân luồng bắt nguồn ngay từ tháng 1, khoản nợ có dấu hiệu chậm trả khoảng 9 ngày thôi là ngân hàng đã phải quan tâm. Nhờ vậy nên trong những vụ việc gần đây, VietinBank không có dính dáng gì cả.

“Chúng tôi khá tự tin về chất lượng tín dụng hiện nay và kiểm soát được chi phí dự phòng. Chúng tôi dự kiến tăng tỉ lệ bao phủ nợ xấu để tăng bộ đệm dự phòng”, ông Bình khẳng định.

HĐQT VietinBank cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, theo đó, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế của ngân hàng năm 2023 là 19.456 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng, phục lợi, lợi nhuận còn lại năm 2023 là 13.927 tỷ đồng. VietinBank đề xuất dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo ông Trần Minh Bình, dù kỳ vọng của ngân hàng là sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Tuy nhiên, phương án cuối cùng vẫn sẽ theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.

Trước đó, trong năm 2023, VietinBank cũng đã phát hành thêm 564 triệu cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại năm 2020 để tăng vốn điều lệ lên mức 53.700 tỷ đồng.

Đồng thời, ngân hàng dự kiến tăng vốn lên mức 91.635 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.

Chủ tịch Trần Minh Bình thông tin, hiện tại VietinBank đã nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chu-tich-vietinbank-chung-toi-tu-tin-ve-chat-luong-tin-dung-hien-nay-a661132.html