Chọn điểm nhấn trong xây dựng cầu nối

Hiện nay, việc tài trợ xây nhà tình thương thường chỉ dao động từ 50-60 triệu đồng/căn. Số tiền này không đủ để xây dựng được căn nhà với những yêu cầu cơ bản. Vì vậy, hệ thống Mặt trận các địa phương xác định việc trợ giúp thêm nguồn lực để mỗi căn nhà sau khi hoàn thành đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản của gia đình là nhiệm vụ trọng tâm.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang trao đổi cùng ông Trần Quang Toại (phải), Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về công tác Mặt trận. Ảnh: S.Thao

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang trao đổi cùng ông Trần Quang Toại (phải), Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về công tác Mặt trận. Ảnh: S.Thao

Việc chọn điểm nhấn để thực hiện công tác Mặt trận sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng được mong mỏi của người dân đã và đang được hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh áp dụng.

* Tập trung thực hiện công tác an sinh xã hội

Năm 2023, thông qua công tác vận động, Mặt trận các cấp đã xây mới 253 căn nhà tình thương và sửa chữa 38 căn nhà. Điểm đáng chú ý là mỗi căn nhà sau khi hoàn thành đều có giá trị cao hơn so với mức hỗ trợ ban đầu.

Cuối năm 2023, bà Nguyễn Thị Vụ (ngụ TT.Định Quán, H.Định Quán) được mạnh thường quân hỗ trợ 80 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Niềm vui được hỗ trợ tiền xây nhà đến với gia đình bà, song cũng khiến cả nhà nhiều trăn trở.

Bà Vụ chia sẻ: “Nhà tôi nằm trong khu rẫy xa, đường đất khó đi nên việc di chuyển vật liệu, thợ xây vào đến nơi rất vất vả và tốn nhiều thời gian. Điều này làm cho số tiền gia đình phải trả cho vật liệu xây dựng và nhân công cao hơn so với những nhà ở gần mặt đường. Cộng thêm thời điểm đó giá vật liệu xây dựng lên rất cao nên chi phí hỗ trợ xây nhà ban đầu so với thực tế trở nên ít hẳn”.

Nắm được nỗi lo của gia đình bà Vụ cũng như những trường hợp khác, Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Định Quán đã thành lập Tổ xây dựng nhà tình thương để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của người được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Cụ thể, khi vận động, tiếp nhận được kinh phí từ đơn vị tài trợ, tổ tiến hành xem xét trường hợp nào cần trợ giúp trước để ưu tiên. Với những trường hợp mà mức hỗ trợ xây nhà ban đầu thấp, Tổ xây dựng nhà tình thương tiến hành vận động thêm nguồn lực tại chỗ từ dòng họ, cộng đồng và đề xuất Quỹ Vì người nghèo huyện hỗ trợ thêm để căn nhà có giá trị xây dựng từ 80 triệu đồng trở lên.

Nhờ vậy mà mới đây, các căn nhà tình thương được trao cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam… đang sinh sống tại các xã: Thanh Sơn, Suối Nho, Phú Tân và TT.Định Quán đều có giá trị xây dựng sau khi hoàn thành trên 100 triệu đồng. Cá biệt có căn giá trị sau khi hoàn thành đến 150 triệu đồng.

Riêng tại TP.Long Khánh - nơi có 12 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, việc quan tâm, hỗ trợ đồng bào và huy động sức mạnh tại chỗ của đồng bào tham gia vào hoạt động an sinh xã hội được chú trọng.

Theo ông Đặng Thanh Hiếu, Trưởng phòng Dân tộc thành phố, bên cạnh việc thực hiện đúng - đủ - kịp thời chế độ chính sách thì việc vận động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ kèm theo là điều rất quan trọng. Thời gian qua, nhiều mô hình đã được ủy ban MTTQ các xã, phường cùng cơ quan làm công tác dân tộc thực hiện, trong đó có các mô hình khuyến học trong đồng bào, địa chỉ trợ giúp hàng tháng với trường hợp khó khăn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Định Quán Nguyễn Thanh Sơn trao quyết định bàn giao nhà tình thương cho các hộ dân trên địa bàn

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Định Quán Nguyễn Thanh Sơn trao quyết định bàn giao nhà tình thương cho các hộ dân trên địa bàn

Thông qua vận động mạnh thường quân, già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, định kỳ trước thềm năm học mới, Ủy ban MTTQ các xã, phường cùng cơ quan làm công tác dân tộc tặng cho 100 học sinh dân tộc thiểu số đồng phục cùng 60 suất học bổng.

* Tạo đồng thuận trong nhân dân

Chủ tịch Ủy ban MTTQ H.Long Thành Nguyễn Tấn Hưng cho hay, thời gian qua, trên địa bàn triển khai rất nhiều công trình, dự án lớn. Để quá trình triển khai thực hiện các dự án nhận được sự đồng thuận của nhân dân, huyện rất chú trọng vào việc tuyên truyền, vận động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con có đất bị thu hồi trong các dự án. Ngoài những hội nghị tiếp xúc để thông tin các vấn đề liên quan đến dự án, quyền và nghĩa vụ của nhân dân, những buổi gặp riêng với từng gia đình, từng cộng đồng nhỏ được huyện chú trọng.

Theo ông Hưng, nhằm giải quyết kịp thời những lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, nhất là các trường hợp nằm trong diện giải tỏa, đền bù, tái định cư, Tổ công tác vận động quần chúng huyện được thành lập với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể của huyện, chính quyền địa phương, MTTQ và các đoàn thể xã nằm trong vùng dự án. Hàng tuần, tổ công tác đến các hộ gia đình, tổ nhân dân tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Qua mỗi lần tiếp xúc, tổ công tác đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền đề ra các giải pháp giải quyết. Trong quá trình này, tổ đồng thời giải đáp những vấn đề người dân chưa rõ, còn thắc mắc.

Năm 2023, Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên đã vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ, giúp đỡ người nghèo với tổng giá trị 1.077 tỷ đồng.

Song song đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng phối hợp tổ chức giám sát công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân nằm trong các dự án. Từ đó kịp thời kiến nghị giải quyết những mặt còn hạn chế, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện dự án.

Tương tự, TP.Long Khánh hiện là địa phương duy trì đều đặn tư vấn pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số hàng tuần. Theo ông Đặng Thanh Hiếu, trước đây điểm tư vấn được đặt tại Phòng Dân tộc thành phố, song để chủ động nắm bắt và tư vấn cách giải quyết cho người dân, Phòng Dân tộc thành phố cùng Đoàn Luật sư Đồng Nai tổ chức các buổi tiếp xúc lưu động ở từng khu dân cư và thứ 5 hàng tuần.

Qua mỗi buổi tiếp xúc, tư vấn, nhiều vướng mắc của đồng bào liên quan đến thụ hưởng các chế độ chính sách, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình… đã được các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước giải đáp và có hướng dẫn phù hợp. Điều này tránh để người dân “tự mò” đường giải quyết vướng mắc dẫn đến dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Định Quán Nguyễn Thanh Sơn, trong quá trình thực hiện các mô hình trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Mặt trận các cấp trong H.Định Quán lựa chọn điểm nhấn để thực hiện. Như với mô hình 5 không 3 sạch, huyện tập trung xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch đẹp ở xã nông thôn, riêng ở đô thị thực hiện mô hình sạch phố, sạch ngõ. Để làm được đều này, huyện phát động mô hình 30 phút vệ sinh mỗi ngày, qua đó từng gia đình, mỗi ấp, khu phố, từng khu dân cư dành ra 30 phút trong ngày để dọn dẹp vệ sinh nơi mình sinh sống.

Trong quá trình tạo cảnh quan, mảng xanh, việc mỗi gia đình tự nguyện trồng, chăm sóc cây xanh, thảm hoa trước khu vực nhà mình, đồng thời tự thu dọn rác khi có phát sinh được bà con hưởng ứng nhiệt tình.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202401/chon-diem-nhan-trong-xay-dung-cau-noi-57e5ee5/