Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Sáng nay (12/5), tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao'.

Chủ trì và điều hành Hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký. Tham dự Hội thảo còn có gần 300 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo một số cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa…

Hội thảo văn hóa 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” tập trung rà soát, phân tích, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao; việc bố trí, huy động các nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao; nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh vị trí đặc biệt quan trọng của các thiết chế văn hóa, thể thao đối với sự nghiệp phát triển văn hóa thể thao nước nhà. Đồng thời chỉ rõ những mặt hạn chế, những nghịch lý, khó khăn, vướng mắc kéo dài chưa được khắc phục như: kinh phí đầu tư “nhỏ giọt, ăn đong”. Bộ máy hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao kém hiệu quả. Không ít chính sách, quy định của pháp luật chưa cụ thể, đầy đủ, dẫn đến tình trạng “mạnh ai, nấy làm”. Việc ban hành chính sách cũng chưa thật sự chú ý tới tính đặc thù của một số lĩnh vực văn hóa, thể thao như văn hóa tinh hoa, bác học và thể thao thành tích cao... Điều này khiến cho nhiều thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, thể thao truyền thống đang đứng trước thách thức nghiêm trọng; càng khó khăn, lúng túng trong quá trình tiến tới tự chủ tài chính, phải xoay xở “giật gấu vá vai”, thậm chí biến tướng “lách luật”. Do đó cần đánh giá, rà soát hệ thống các quy định về thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay để chỉ ra những quy định nào còn nguyên giá trị, những quy định nào không còn phù hợp, cần điều chỉnh, bổ sung. Tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao.

Các ý kiến tại hội thảo cũng nhấn mạnh, cần tăng cường quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao. Phải đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trên nguyên tắc “phù hợp, bản sắc, hiện đại”, khắc phục hội chứng “phong trào” và tình trạng “đồng dạng hóa” các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Cùng với đó, phát huy tinh thần chủ động, tích cực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, nếu có.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/chinh-sach-va-nguon-luc-cho-phat-trien-thiet-che-van-hoa-the-thao-221789.htm