Chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý nhằm chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể. Vì thế, nhiệm vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý được triển khai dưới hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH - CN) là đẩy mạnh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương, sản phẩm gắn với chương trình OCOP hoặc biểu tượng chỉ dẫn địa lý.

Theo đồng chí Trần Văn Út Tám, Phó Giám đốc Sở KH - CN: quản lý nhiệm vụ chỉ dẫn địa lý được thực hiện theo Quyết định số 29/2019/QĐ-UBND, ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh quy định quản lý các nhiệm vụ KH - CN phát triển tài sản trí tuệ có sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh với mức đầu tư từ 1,6 - 1,7 tỷ đồng cho 01 nhiệm vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý, vốn nhà nước 100%. Thời gian triển khai nhiệm vụ từ 24 - 30 tháng; gồm các nội dung: đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý, xây dựng hệ thống công cụ quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mô hình quản lý, trình diễn thử nghiệm đánh giá hiệu quả thực thi công cụ quản lý và mô hình.

Hiện toàn tỉnh có 01 chỉ dẫn địa lý đăng ký được triển khai thực hiện đạt 100% chỉ tiêu là đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” dừa sáp tỉnh Trà Vinh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1274/QĐ-UBND, ngày 22/8/2023. Sở KH - CN đã tiến hành ký hợp đồng với đơn vị chủ trì nhiệm vụ (Trung tâm CIPTEK, Thành phố Hồ Chí Minh) và triển khai từ tháng 8/2023 đến tháng 8/2025 với tổng mức đã được duyệt gần 1,6 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy toàn tỉnh hiện có trên 340 sản phẩm có nhãn hiệu được bảo hộ thuộc 06 nhóm ngành phân loại theo sản phẩm OCOP, nhưng chỉ có trên 100 sản phẩm đáp ứng yêu cầu về nhãn hiệu, bao bì và các tiêu chí về sản phẩm OCOP. Nguyên nhân các chủ sở hữu nhãn hiệu (bao gồm nhãn hiệu độc quyền, nhãn hiệu tập thể) không có hoặc không duy trì được kế hoạch. Vì phần lớn doanh nghiệp siêu nhỏ, nguồn vốn ít, chỉ đủ tập trung cho kế hoạch sản xuất trước mắt.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân và cán bộ quản lý về sở hữu trí tuệ còn hạn chế và trên địa bàn tỉnh không có đơn vị, tổ chức đủ điều kiện đăng ký tham gia làm cơ quan chủ trì nhiệm vụ. Các khó khăn này ảnh hưởng tới tiến độ, hiệu quả và dự toán kinh phí khi thực hiện nhiệm vụ.

Mặc dù số lượng các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý hiện đang chiếm tỷ lệ thấp so với tiềm năng của tỉnh, vì thế việc bảo hộ các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý đã góp phần quảng bá hình ảnh, danh tiếng, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và đặc sản vùng miền của tỉnh. Thông qua nội dung xây dựng hệ thống các công cụ nhận diện thương hiệu, quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đồng chí Trần Văn Út Tám cho biết thêm: để việc triển khai thực hiện chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc đạt hiệu quả trong thời gian tới, Sở KH - CN tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KH - CN phát triển tài sản trí tuệ theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Thông tư số 75/2021/TT-BTC, ngày 09/9/2021 của Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, tập trung 03 đối tượng: đăng ký chỉ dẫn địa lý theo hướng bảo hộ “kép” bao gồm 02 đối tượng “địa danh” và “biểu trưng nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý”; đăng ký nhãn hiệu chứng nhận có sử dụng địa danh; nhãn hiệu tập thể có sử dụng địa danh.

Bên cạnh đó, cơ hội tiếp cận chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu thông thường từ nay đến năm 2030 là hỗ trợ kinh phí đăng ký trong nước 100 nhãn hiệu (đã thực hiện 30 nhãn hiệu); hỗ trợ kinh phí đăng ký quốc tế 10 nhãn hiệu (đã thực hiện 03 nhãn hiệu). Hình thức hỗ trợ trực tiếp sau đầu tư, mức hỗ trợ 70% chi phí tư vấn tạo lập, thiết lập logo, phí, lệ phí đăng ký bảo hộ trong nước tối đa không quá 08 triệu đồng/đơn đăng ký và đăng ký quốc tế được hỗ trợ tối đa không quá 60 triệu đồng/đơn đăng ký nhãn hiệu. Mỗi tổ chức, doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 03 nhãn hiệu. Đối với nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý mục tiêu từ nay đến năm 2030 đăng ký bảo hộ 25 nhãn hiệu chứng nhận, bảo hộ 03 chỉ dẫn địa lý (đang đề xuất thực hiện 03 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm: dừa sáp Cầu Kè, đậu phộng Trà Vinh, dưa hấu Cầu Ngang.

Đối với hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu mục tiêu là hỗ trợ phát triển 350 sản phẩm tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Hỗ trợ chi phí thuê chuyên gia khảo sát, viết dự án phát triển sản phẩm, mức hỗ trợ 05 triệu đồng/thuyết minh dự án. Hỗ trợ trực tiếp 50% kinh phí cho các nội dung chuyển giao ứng dụng công nghệ là 300 triệu đồng/dự án; chi phí thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập để tư vấn lựa chọn thiết bị, công nghệ tối đa không quá 20 triệu đồng/dự án. Chi phí giám định công nghệ không quá 30 triệu đồng/dự án. Hỗ trợ trực tiếp 30% kinh phí mua sắm, máy móc thiết bị phục vụ công nghệ chuyển giao hoặc đổi mới máy móc thiết bị mở rộng quy mô sản xuất tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án. Hỗ trợ trực tiếp 100% kinh phí thẩm định công nghệ theo Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN, ngày 30/3/2016 của Bộ trưởng Bộ KH - CN, mức tối đa không quá 20 triệu đồng/dự án.

Đối với các dự án ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao (có giấy chứng nhận công nghệ cao theo quy định), chi phí giám định công nghệ được hỗ trợ 60% kinh phí (mức hỗ trợ tối đa không quá 420 triệu đồng/dự án). Tham gia triển lãm trong nước được hỗ trợ 50% kinh phí thuê gian hàng và chi phí vận chuyển hàng hóa tối đa không quá 40 triệu đồng/doanh nghiệp/năm.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/chinh-sach-ho-tro-xay-dung-va-phat-trien-nhan-hieu-chi-dan-dia-ly-32815.html