Chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố: 'Dấu son' ngày ấy - bây giờ

70 năm trôi qua nhưng chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố vào ngày 24/02/1954 mãi là mốc son của quân và dân Châu Thành, tỉnh Long An, góp phần tô thắm thêm truyền thống 'trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc' của tỉnh. Sau chừng ấy năm, truyền thống anh hùng vẫn được gìn giữ, phát huy và quê hương thì ngày càng đổi mới.

Đại tá tình báo Lê Phát Thành từng trực tiếp tham gia trận đánh Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố

Đại tá tình báo Lê Phát Thành từng trực tiếp tham gia trận đánh Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố

“Dấu son” thời chống pháp

Tham gia trận đánh Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố từ khi là anh bộ đội địa phương mười chín, đôi mươi lần đầu xung trận nhưng những ký ức xưa vẫn in sâu trong trí nhớ của cựu chiến binh, Đại tá tình báo Lê Phát Thành (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành). Bên mâm bánh trà dư vị ngày xuân, vị Đại tá chầm chậm kể lại những ngày tháng oanh liệt.

Những năm 1952-1953, địa bàn huyện Vàm Cỏ (nay là huyện Châu Thành, Tân Trụ), địch tập trung lực lượng, đóng đồn, bót khắp các xã. Năm 1954 là thời điểm Pháp triển khai đỉnh cao kế hoạch Na-va. Còn ta đẩy mạnh chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954. Lực lượng vũ trang, chính trị và quần chúng ở huyện Vàm Cỏ tăng cường hoạt động, mở ra nhiều lõm căn cứ du kích và tạo được địa bàn đứng chân cho lực lượng ta.

Ngày 24/02/1954, Tiểu đoàn 309 phối hợp dân quân huyện Vàm Cỏ phục kích, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn Bảo An Việt Nam 502 và Đại đội 14 tỉnh Tân An của địch.

Khu vực bia chiến thắng Miễu Bà Cố được trang trí cờ phướn hướng đến kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố

Khu vực bia chiến thắng Miễu Bà Cố được trang trí cờ phướn hướng đến kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố

“Trước trận đánh Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố, Tiểu đoàn 309 phối hợp du kích và địa phương quân Vàm Cỏ tiến đánh bót Vĩnh Công. Sau đó, ta tiến về điểm trú quân trên khu vực từ ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị đến ấp 5, xã Hiệp Thạnh. Khoảng gần trưa ngày 24/02, Tiểu đoàn nhận báo cáo có 2 cánh quân của địch đang triển khai.

Ban Chỉ huy Tiểu đoàn thông báo cho các đơn vị nắm rõ tình hình và tiến hành chặn đánh. Bị ta tấn công, cả 2 mũi tiến công của địch phần bị tiêu diệt, phần bỏ chạy. Trinh sát lại tiếp tục báo có một cánh quân địch khoảng một đại đội từ Kỳ Son hành quân theo lộ 12 vào Phú Ngãi Trị. Sau 30 phút triển khai thì trận địa bài trí hoàn tất, chờ đón địch” - cựu chiến binh, Đại tá Lê Phát Thành kể.

Thời điểm đó, cựu chiến binh, Đại tá Lê Phát Thành thuộc lực lượng địa phương quân Vàm Cỏ kết hợp cùng 2 trung đội của Đại đội 941 thuộc Tiểu đoàn 309 đánh vào phía sườn Bắc của địch.

“Khi những tên lính cuối cùng qua khỏi cầu Biện Trẹt khoảng 200-300m thì tiểu đoàn địch rơi vào trận địa của ta. Mũi chính diện của ta nổ súng, trong khi trung đội “khóa đuôi” xung phong cắm cờ giữa lộ. Toàn bộ trận địa nổ súng. Kèn thổi bài Tiến quân và toàn bộ lực lượng xung phong, dồn địch vào miễu Bà Cố.

Trận chiến diễn ra ác liệt. Sau khoảng 1 tiếng, ta diệt hơn 100 tên địch, bắt sống hơn 100 tên. Người dân ấp 4 và ấp 5 lúc đó cùng nhau tiếp tế lương thực, thực phẩm, nấu sẵn cơm cho bộ đội. Xong trận đánh trở về thì cơm nước đã sẵn sàng!” - cựu chiến binh Lê Phát Thành hồi tưởng.

Trận đánh Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố được xem là chiến thắng vang dội trong lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên quê hương huyện Châu Thành, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đổi thay trên vùng đất anh hùng

Chiến trường xưa nay “thay da, đổi thịt” với đường sá rộng mở, đi lại thuận tiện

Chiến trường xưa nay “thay da, đổi thịt” với đường sá rộng mở, đi lại thuận tiện

70 năm trôi qua, vùng đất anh hùng xưa nay đã hoàn toàn “thay da, đổi thịt”. Châu Thành giờ là huyện nông thôn mới (NTM), đã hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao. Xã Phú Ngãi Trị là xã NTM nâng cao, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu vào năm 2025.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Phú Ngãi Trị nâng cấp, làm mới các tuyến giao thông nông thôn, nạo vét công trình thủy lợi, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, năng suất, sản lượng nông nghiệp không ngừng tăng lên; đời sống vật chất, tinh thần của người dân cải thiện từng ngày; công tác giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt.

Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã Phú Ngãi Trị hơn 65 triệu đồng/năm; hộ nghèo toàn xã còn khoảng 0,4%; 100% hộ gia đình có nhà kiên cố, bán kiên cố đạt chuẩn theo quy định. Tất cả trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia; 100% đường trục xã được nhựa hóa, bêtông hóa mặt đường 6m; 100% đường trục ấp được bêtông hóa mặt đường rộng 3m bảo đảm xe ôtô đi lại;...

Chủ tịch UBND xã Phú Ngãi Trị - Nguyễn Quốc Thới cho biết: “Địa phương đang nỗ lực nâng chất các tiêu chí nhằm đạt mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Hiện tại, các tiêu chí về giao thông, nước sạch được chú trọng và triển khai khẩn trương từ cuối năm 2023 đến nay. Hiện xã có 2 sản phẩm chờ công nhận đạt chuẩn OCOP. Cả hệ thống chính trị quyết tâm xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu theo kế hoạch đề ra”.

Khu vực bia chiến thắng Miễu Bà Cố được trang trí chào mừng ngày kỷ niệm

Khu vực bia chiến thắng Miễu Bà Cố được trang trí chào mừng ngày kỷ niệm

Trên nền tảng xây dựng và phát triển quê hương, các giá trị truyền thống, lịch sử luôn được địa phương quan tâm, gìn giữ. Ông Lê Quốc Thới cho biết thêm, trên địa bàn xã có 1 di tích quốc gia là Khu lưu niệm Nguyễn Thông, 1 di tích cấp tỉnh là khu vực Miễu Bà Cố.

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có khu mộ nhà yêu nước Đỗ Tường Phong và khu vực Vườn Lớn. Công tác chăm sóc, quản lý các công trình trên địa bàn được quan tâm, phân công đoàn thể trực tiếp phụ trách. Hàng năm, Đoàn Thanh niên và các trường học trên địa bàn xã tổ chức nhiều đoàn đến thăm, thắp hương, tưởng niệm và giáo dục truyền thống cho học sinh tại các "địa chỉ đỏ" trên địa bàn.

Mộc Châu

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chien-thang-tran-hiep-thanh-phu-ngai-tri-mieu-ba-co-dau-son-ngay-ay-bay-gio-a171738.html