Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: Ký ức của những người trong cuộc - Bài 3: Hân hoan khúc khải hoàn (tiếp theo và hết)

Những ngày tháng Tư này, các tuyến đường nội đô TP Hồ Chí Minh, khu trụ sở cơ quan, trường học… rợp cờ đỏ sao vàng, băng rôn, biểu ngữ chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhìn những hình ảnh ấy, nhiều cựu chiến bình (CCB) liên tưởng tới không khí tưng bừng rợp cờ hoa khắp phố phường Sài Gòn 48 năm trước trong giờ phút khải hoàn…

Gặp gỡ ở nội đô

Có những cuộc gặp gỡ vô cùng ý nghĩa do chính lịch sử tạo nên. Đó là cuộc gặp gỡ của những cánh quân tham gia trận đánh cuối cùng đập tan sào huyệt của ngụy quân, ngụy quyền ngày 30-4-1975. Trong cuộc gặp đó, CCB Lê Huy Tuyên, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 28 (thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3), cũng góp mặt làm nên lịch sử.

 Chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh được trưng bày phục vụ khách tham quan.

Chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh được trưng bày phục vụ khách tham quan.

Cựu chiến binh Lê Huy Tuyên nhớ lại: "Sau khi giải phóng Nha Trang, nằm trong đội hình Sư đoàn 10, đơn vị tôi nhận lệnh đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc đó tôi là Đại úy, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 28. Quá trình hành quân gặp địch là đánh, khoảng 2 tuần sau chúng tôi đã có mặt tại Củ Chi xây dựng tuyến xuất phát tiến công. 18 giờ ngày 29-4-1975, Trung đoàn bắt đầu hành quân bằng xe vào nội thành đánh chiếm mục tiêu theo nhiệm vụ. 20 giờ, chúng tôi đã có mặt tại ngã tư Quang Trung (thuộc quận Gò Vấp ngày nay). Địa hình thành phố lạ lẫm, gần chỗ đơn vị tạm dừng gặp khá nhiều lính ngụy án ngữ. Chúng chống trả quyết liệt cản trở đội hình cơ động của Trung đoàn.

Kéo dài thời gian sẽ chậm tiến độ, chỉ huy Trung đoàn quyết định giao nhiệm vụ cho đại đội đặc công trực thuộc phải bắt sống bằng được 1-2 tên lính ngụy để khai thác thông tin. Chưa đầy một giờ sau, 2 tên lính ngụy đã được đưa tới Ban chỉ huy trung đoàn. Qua lời khai, chúng tôi biết được lực lượng ngụy đang án ngữ phía trước thuộc trung tâm huấn luyện quốc gia Quang Trung. Lập tức, đội hình chiến đấu lâm thời được triển khai. Cũng trong đêm đó, Trung đoàn tôi nhận nhiệm vụ bổ sung, tham gia cùng Quân đoàn 1 đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy. Mờ sáng hôm sau (30-4-1975), chỉ huy trung đoàn đề nghị hỏa lực pháo binh của trên bắn dồn dập vào khu vực địch trú quân, giải quyết dứt điểm chướng ngại vật để tiến đánh sào huyệt cuối cùng”.

Du khách tham quan Dinh Độc Lập trong kỳ nghỉ lễ 30-4. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Du khách tham quan Dinh Độc Lập trong kỳ nghỉ lễ 30-4. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Ngừng lại giây lát như để cảm nhận khí thế hừng hực của trận đánh năm xưa, cựu chiến binh Lê Huy Tuyên kể tiếp: “Sau khi hỏa lực của ta bắn dồn dập thì bọn địch trong trung tâm huấn luyện không chịu nổi vội kéo cờ trắng xin hàng. Chúng tôi bàn giao lại cho đơn vị làm nhiệm vụ thu dung. Đúng 8 giờ, lệnh của cấp trên thúc giục khẩn trương đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy, Trung đoàn tôi gấp rút cơ động hướng mục tiêu thẳng tiến. Đến ngã tư Bảy Hiền (thuộc quận Tân Bình ngày nay), gặp địch chống trả yếu ớt. Một đại đội được lệnh dừng lại tiêu diệt, còn đơn vị tiếp tục tiến công. Đến khoảng 11 giờ trưa, Trung đoàn tổ chức thành 2 mũi tham gia cùng Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1) đánh thẳng vào bộ tổng tham mưu ngụy. Đúng 11 giờ 30 phút, nhiệm vụ hoàn thành, chúng tôi hân hoan gặp gỡ đồng đội Sư đoàn 320B, cùng ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc tòa nhà bộ tổng tham mưu ngụy, cùng thời gian với lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Một cuộc hội ngộ cảm động giữa lòng Sài Gòn toàn thắng trong niềm vui khải hoàn mà suốt cuộc đời tôi không thể nào quên”.

Phố phường rợp cờ, hoa

“Ngày ấy Sài Gòn đông vui lắm, đâu đâu cũng thấy rực rỡ cờ, hoa. Nhân dân đứng hai bên đường hân hoan chào đón bộ đội như đón người thân trở về” – đó là chia sẻ của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hồ Chí Minh, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7. Trong câu chuyện ông kể luôn tràn đầy cảm xúc tự hào, hân hoan trong giờ phút khải hoàn. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nhớ lại: "Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi là Tham mưu phó, Trưởng ban Tác chiến Trung đoàn 88 (Sư đoàn 302, Quân khu 7 ngày nay), tham gia cánh quân thứ 5 đánh vu hồi từ Gò Công (Tiền Giang), hợp cùng các cánh quân khác tiến về giải phóng Sài Gòn. Trong suốt thời gian chúng tôi hành quân từ Gò Công về đến Sài Gòn đều có đồng bào ra tiếp nước, tiếp cơm".

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (thứ 5, từ trái sang) tặng quà hộ dân khó khăn tại Long An.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (thứ 5, từ trái sang) tặng quà hộ dân khó khăn tại Long An.

Hồi tưởng khí thế sục sôi chiến thắng 48 năm trước, học giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, 103 tuổi, ngụ tại quận 1 (TP Hồ Chí Minh) kể: Sáng 30-4-1975, ở các nút giao thông cửa ngõ Sài Gòn, trẻ em trèo lên cây quan sát, khi phát hiện từng đoàn bộ đội tiến vào nội đô, thì tụt xuống, vừa chạy tung tăng vừa reo vang báo tin cho bà con ra đón mừng bộ đội. Vậy là, nam phụ lão ấu đều phấn khởi cầm trên tay cờ, hoa ra đường vẫy chào các đoàn quân tiến vào nội đô. Lúc đầu còn ít, đến trưa thì nườm nượp, đông vui nhưng không hề lộn xộn, khác hẳn với không khí hỗn loạn đêm 29-4-1975 khi tàn quân ngụy trốn chạy.

 Đường phố TP Hồ Chí Minh được trang trí nhiều pano, cờ, đèn chào mừng ngày toàn thắng.

Đường phố TP Hồ Chí Minh được trang trí nhiều pano, cờ, đèn chào mừng ngày toàn thắng.

Theo lời kể của ông Nguyễn Đình Đầu: Đêm trước ngày toàn thắng, Sài Gòn diễn ra hai trạng thái, một bên là cảnh tháo chạy chen lấn của ngụy quân, ngụy quyền; một bên là sự tĩnh lặng chờ đợi, hồi hộp của người dân. Trong lịch sử hiện đại, bến Bạch Đằng (quận 1) chứng kiến sự tháo chạy của ngụy quân, ngụy quyền trên những con tàu hải quân ngay trước thời khắc Sài Gòn được giải phóng. Đêm 29-4-1975, cảnh trốn chạy diễn ra náo loạn khắp bến Bạch Đằng. Quan quân, binh sĩ ngụy, người thân và nhiều gia đình tư sản chen lấn, xô đẩy để leo lên những chiếc tàu quân sự rút khỏi Sài Gòn. Nhiều người ngã xuống nước vì bị chen, đẩy. Tiếng gọi, tiếng kêu la, tiếng khóc gào… nghe thật bi ai, não nề.

Ngày nay, Bến Bạch Đằng trở thành khu vui chơi của người dân TP Hồ Chí Minh và du khách.

Ngày nay, Bến Bạch Đằng trở thành khu vui chơi của người dân TP Hồ Chí Minh và du khách.

Cảnh tháo chạy hỗn loạn suốt trong đêm. Không biết bao nhiêu xe gắn máy và xe lambretta cùng những đồ vật, quân trang vứt bừa bãi, lung tung trên bến. Có thông tin con tàu quân sự chở chuyến cuối cùng rời bến Bạch Đằng lúc 3 giờ sáng 30-4-1975 nên cảnh tượng chen lấn càng thêm quyết liệt. Đúng là ngày tàn của chế độ tay sai!

Thành phố vươn mình, văn minh, hiện đại

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh trải qua quá trình 48 năm phấn đấu với quyết tâm cao để xây dựng, bảo vệ và phát triển, xứng đáng với vinh dự là Thành phố mang tên Bác, Thành phố Anh hùng.

 Một góc TP Hồ Chí Minh hiện đại nhìn từ sông Sài Gòn.

Một góc TP Hồ Chí Minh hiện đại nhìn từ sông Sài Gòn.

Với truyền thống sáng tạo, năng động, bản lĩnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực “cùng cả nước, vì cả nước”, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng TP Hồ Chí Minh đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa và đóng góp lớn nhất thu ngân sách cả nước. Thành phố có Khu công nghệ cao với tổng đầu tư trên 7 tỷ USD, xuất khẩu trên 8 tỷ USD, hơn 36.000 lao động và là khu công nghệ cao thành công nhất cả nước. Khu Công viên phần mềm Quang Trung với 200 doanh nghiệp đầu tư, hơn 11.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin, hơn 10.000 sinh viên công nghệ thông tin học tập tại đây. Doanh thu mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 80% là từ doanh thu xuất khẩu và đây là công viên phần mềm thành công nhất cả nước…

Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) về đêm.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) về đêm.

Qua 48 năm xây dựng và phát triển, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành hàng trăm công trình phục vụ dân sinh, nhiều công trình mang tính biểu tượng đã hình thành, khẳng định tầm vóc của thành phố, như: Công trình hầm vượt sông Sài Gòn, cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm; tòa nhà Landmark 81, tòa tháp Bitexco; Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ; khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm… Năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động tại TP Hồ Chí Minh là 10,9 triệu đồng/tháng, đứng thứ hai trên cả nước…

 Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu vì thành phố văn minh, nghĩa tình.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu vì thành phố văn minh, nghĩa tình.

Để đạt được những thành quả đó, theo đồng chí Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Thành phố tự tin dựa vào tiềm lực hạ tầng và con người dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố; phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân cùng hệ thống chính trị ra sức xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng là Thành phố mang tên Bác kính yêu.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-ky-uc-cua-nhung-nguoi-trong-cuoc-bai-3-han-hoan-khuc-khai-hoan-tiep-theo-va-het-726611