Chìa khóa để Sơn La đưa nông sản vươn xa

Từ địa phương được coi là 'hiện tượng nông nghiệp' với nhiều đột phá, Sơn La đang tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm từng bước hiện thực hóa những mục tiêu dài hơi, nâng cao giá trị, nâng tầm và đưa thương hiệu nông sản vươn xa.

Từ những hạt cà phê arabica trên rẻo cao Tây Bắc, bàn tay cần cù, sáng tạo của các thành viên HTX Ara-tay coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã tạo nên những sản phẩm mang hương vị đặc trưng, trong đó có sản phẩm cà phê Aratay đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La.

HTX Ara-tay Coffe xây dựng thương hiệu sản phẩm bằng câu chuyện và hình ảnh về con người Sơn La, Tây Bắc

Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Ara-tay coffee cho biết, từ khi thành lập năm 2020, các thành viên HTX và hơn 300 nông hộ liên kết đã lựa chọn sản xuất dòng cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao. Đặc biệt, HTX đã xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê bằng câu chuyện, hình ảnh về con người Sơn La, Tây Bắc.

“HTX chọn tên là Ara-tay Coffee, “ara” là viết tắt của Arabica, “tay” có nghĩa là người Thái, là bàn tay nâng niu của người phụ nữ, là Tây Bắc... Thiên nhiên, khí hậu ưu ái cho Sơn La cũng như xã Chiềng Chung trồng được cây cà phê arabica này. Giờ cà phê là cây chủ lực của bà con nông dân Chiềng Chung, giúp bà con phát triển kinh tế, nhà cửa khang trang, con cái được đến trường, không còn khó khăn như trước kia khi trồng ngô, trồng sắn”, chị Mòn giới thiệu.

Với hơn 11.300 ha diện tích, sản lượng trên 90.000 tấn quả/năm, Yên Châu là 1 trong những địa phương có diện tích và sản lượng quả lớn của tỉnh Sơn La. Trong số này đã có gần 1.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; có 67 mã số vùng trồng, tổng diện tích 1.140 ha.... Vùng đất chuối ngọt, xoài thơm này ngày càng được biết tới bởi những sản phẩm đặc trưng, được chế biến, xây dựng và quảng bá thương hiệu thay vì chỉ sản xuất, tiêu thụ truyền thống như trước đây.

Nông dân Yên Châu thay đổi tư duy sản xuất, đổi mới cách thức tiếp cận thị trường tiêu thụ

Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu cho biết, huyện có vùng sản xuất tương đối ổn định, sản xuất mang tính hàng hóa. Năm 2023, ngành đã tập trung sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn, vì vậy việc tiêu thụ nông sản đã cơ bản đáp ứng được nguồn sản xuất ra trên địa bàn.

“Đặc biệt huyện Yên Châu chú trọng phát triển các sản phẩm chế biến, có 11 sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục sản xuất 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao đó là vùng nhãn, vùng mận, vùng xoài; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đảm bảo nguồn sản phẩm sạch ra thị trường”, ông Dũng thông tin.

Cùng với xây dựng và phát triển những sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu, việc hình thành và phát huy hiệu quả những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ được coi là một trong những "chìa khóa" quan trọng, làm nên cách thức sản xuất bền vững, nâng cao giá trị, nâng tầm thương hiệu của sản phẩm nông sản Sơn La.

Quốc bảo Sâm Ngọc Linh nảy mầm trên vùng cao Sơn La

Điển hình như chuỗi liên kết bền chặt giữa nông dân, nông hộ, HTX và Công ty CP Mía đường Sơn La đã góp phần ổn định vùng nguyên liệu trên 9.000 ha mía, với sản lượng năm nay ước đạt 650.000 tấn. 100% số hộ tham gia liên kết trồng mía với công ty đã thoát nghèo, nhiều hộ giàu lên từ cây mía.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn La cho biết, để giữ vững chuỗi liên kết ổn định, để người dân, DN đồng hành thể hiện qua chính sách của công ty, như đầu tư cho bà con, thu hoạch cho bà con, vận chuyển về nhà máy, giải quyết được vấn đề giá mía.

“DN có giá bảo hiểm để bà con trong bất kể tình huống nào, thời tiết bất lợi vẫn mua mía theo giá đó cho bà con. Đặc thù vùng mía Sơn La đất đồi là chủ yếu, nên công ty đã có phương án hỗ trợ cho người dân 100% tiền làm đất theo chính sách, như làm đất bằng máy, phương tiện... giúp người dân giảm bớt chi phí trồng và chăm sóc mía. Ngoài ra, DN đang tiếp tục tìm tòi để đưa cơ giới hóa trên đồng đất đồi, tăng hiệu quả hơn đối với người dân”, ông Hiếu khẳng định.

Năm 2023 tiếp tục là một năm nông nghiệp Sơn La gặt hái nhiều “quả ngọt”, như giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 177,8 triệu USD; trong đó giá trị hàng hóa nông sản quả tươi và nông sản chế biến đều tăng so với năm 2022. Sản lượng nông sản tham gia xuất khẩu đạt trên 173.000 tấn, chủ yếu là trái cây, chè, cà phê, sắn, dứa, ngô ngọt...

Đến nay, Sơn La có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; duy trì, phát triển 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; cấp 294 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.150 ha; 28 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh; 150 sản phẩm OCOP...

Chè Tà Xùa mang hương vị đặc trưng của núi rừng vùng cao Sơn La

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định, năm 2024 tỉnh xác định rất rõ những sản phẩm chủ lực, sản lượng lớn như nhãn, xoài, mận, quả sơn tra, thanh long và các cây trồng khác hiện có... sẽ phải xác định từng mùa vụ tương ứng, với hỗ trợ cho tiêu thụ, hỗ trợ cho chế biến và xuất khẩu.

“Tỉnh xác định vùng trồng cho từng nhà máy chế biến, từng khu vực xuất khẩu, vùng trồng cho việc tiêu thụ ở thị trường trong nước. Đồng thời, tiếp tục đưa các sản phẩm vào chế biến và tạo ra các sản phẩm OCOP; năm 2024 tỉnh rất muốn có trên 200 sản phẩm OCOP vì đây cũng là một kênh tiêu thụ rất tốt”, ông Công cho biết.

Cấp ủy, chính quyền và những nhà nông cần cù, sáng tạo ở tỉnh miền núi Sơn La đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu, đưa địa phương này trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; tiếp tục khẳng định vị trí nông sản Sơn La trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chia-khoa-de-son-la-dua-nong-san-vuon-xa-post1076715.vov