'Chìa khóa' cho phát triển

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về 'Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước' đã đề ra một trong những giải pháp trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Trong đó nhấn mạnh một số nội dung cụ thể như: xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa; coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở; xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số, có chính sách khuyến khích họ trở về công tác tại địa phương...

Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác văn hóa luôn được các cấp, ngành ở tỉnh Thanh Hóa quan tâm, triển khai hiệu quả.

Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác văn hóa luôn được các cấp, ngành ở tỉnh Thanh Hóa quan tâm, triển khai hiệu quả.

Trên cơ sở đó, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đồng thời xác định đây là khâu “then chốt của then chốt”, là “chìa khóa cho phát triển”. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ quản lý, cán bộ tham mưu lĩnh vực văn hóa. Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ văn hóa cơ sở và đội ngũ hướng dẫn viên tại các khu di tích. Công tác bồi dưỡng, đào tạo được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng những mô hình tốt, cách làm hay trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

Đến nay, tổ chức bộ máy ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã được kiện toàn theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, chú trọng hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 2.000 người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực văn hóa. Cùng với đó là 498 văn nghệ sĩ và cùng hàng chục nghìn cộng tác viên thường xuyên ở cơ sở.

Trong đó, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trường Đại học Hồng Đức khẳng định vai trò là những cơ sở đào tạo chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực văn hóa lớn cho tỉnh. Những năm qua, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành văn hóa, văn học nghệ thuật theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát đời sống xã hội. Từ năm 2014 đến 2023, trường đã đào tạo được 2.164 sinh viên các ngành nghệ thuật. Về phía Trường Đại học Hồng Đức, các chuyên ngành về văn học và văn hóa, công tác nghiên cứu lý luận phê bình văn học... cũng ngày càng được quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo.

Cùng với các trường đào tạo, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ.

Đứng trước yêu cầu thực tiễn, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra. Trong đó tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp về đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy các chuyên ngành văn hóa; có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; trọng dụng người có tài, có đức... hướng tới xây dựng nguồn nhân lực văn hóa đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa trong tình hình mới.

Bài và ảnh: Lê Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chia-khoa-cho-phat-trien-31104.htm