Chặng đường cải cách chông gai của Argentina

Bức tranh kinh tế ảm đạm của Argentina đã được điểm thêm những gam màu sáng, nhờ tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống lạm phát và nỗ lực cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, chặng đường cải cách tại quốc gia Nam Mỹ này còn nhiều chông gai, nhất là khi các biện pháp 'thắt lưng buộc bụng' ảnh hưởng cuộc sống của người dân và kéo theo những bất ổn xã hội.

Người dân mua sắm hàng hóa tại cửa hàng ở Buenos Aires, Argentina. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân mua sắm hàng hóa tại cửa hàng ở Buenos Aires, Argentina. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng thâm hụt tài chính dai dẳng và lạm phát phi mã từ lâu đã được coi là những vết “ung nhọt”, tác động tiêu cực tới sức khỏe nền kinh tế Argentina. Chính phủ Argentina từng trải qua chín lần vỡ nợ, trong đó lần gần đây nhất xảy ra năm 2020. Argentina cũng liên tục bị thâm hụt ngân sách kể từ năm 2009, với mức thâm hụt lên tới 4,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023. Trong nỗ lực chữa lành những căn bệnh kinh niên này, nhiều tháng qua, Chính phủ Argentina đã triển khai nhiều biện pháp cải cách kinh tế quyết liệt.

Giới phân tích nhận định, nhờ các liệu pháp “gây sốc” đó, bước đầu, nền kinh tế Argentina đã có những chuyển biến tích cực. Lần đầu trong vòng sáu tháng qua, tỷ lệ lạm phát tại quốc gia Nam Mỹ này giảm xuống dưới 10%. Theo đó, tỷ lệ lạm phát hằng tháng trong tháng 4/2024 giảm còn 8,8%, so với mức 11% trong tháng 3/2024 và thấp hơn nhiều so con số kỷ lục hơn 25% vào tháng 12/2023.

Tổng thống Javier Milei khẳng định, ngăn chặn được tình trạng siêu lạm phát là kết quả rõ rệt nhất trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ trong thời gian qua. Ngoài ra, quý I năm 2024, Argentina lần đầu đạt thặng dư ngân sách sau 16 năm. Với tín hiệu tích cực này, Ngân hàng Trung ương Argentina vừa quyết định giảm lãi suất cơ bản từ 50% xuống còn 40%, đánh dấu lần thứ 6 liên tiếp giảm lãi suất trong năm nay.

Với những bước chuyển biến tích cực nêu trên, mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố sẽ xem xét giải ngân cho Argentina 800 triệu USD nhằm hỗ trợ nước này phục hồi nền kinh tế. IMF đánh giá những biện pháp cải cách mà Buenos Aires triển khai đã vượt ngoài sự mong đợi, bước đầu giúp nước này đạt thặng dư tài chính trong ba tháng liên tiếp, lạm phát giảm nhanh, dự trữ ngoại hối tăng và mức rủi ro đối với nền kinh tế giảm. IMF kỳ vọng, nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, nền kinh tế Argentina chưa thể bước qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay trong một sớm một chiều. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính, GDP của Argentina trong năm 2024 sẽ giảm 3,3%, nhiều hơn mức dự báo giảm 2,3% được đưa ra tháng 2 vừa qua. OECD nhận định, lạm phát cao, các chính sách kinh tế vĩ mô táo bạo do Tổng thống Javier Milei đề ra và tình trạng bất ổn chính trị sẽ là những yếu tố ảnh hưởng hoạt động kinh tế trong cả năm 2024, nhất là lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư tư nhân.

Giới chuyên gia nhận định, nền kinh tế Argentina chưa thể bước qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay trong một sớm một chiều.

Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách kinh tế khắc khổ cũng kéo theo nhiều hệ lụy không chỉ đối với nền kinh tế, mà cả xã hội Argentina. Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 12/2023, Tổng thống Javier Milei đã áp dụng triệt để chính sách “thắt lưng buộc bụng”, theo đó phá giá 50% đồng nội tệ, cắt giảm hàng trăm nghìn nhân sự khu vực công, đồng thời tăng phí sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, xăng, điện, nước và nhiều dịch vụ thiết yếu khác. Tổng Liên đoàn Lao động Argentina cho rằng, những chính sách hiện nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người dân có thu nhập thấp, làm công ăn lương, về hưu và hưởng trợ cấp. Sức mua của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đe dọa tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Doanh số bán lẻ trong quý I năm 2024 đã giảm gần 20% so với mức cùng kỳ năm trước.

Nhà lãnh đạo Argentina kêu gọi tất cả người dân cùng nhau đoàn kết vì lợi ích chung của đất nước, trong bối cảnh chính phủ bắt buộc phải thực hiện các biện pháp “gây sốc” để tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình liên tục diễn ra trên khắp cả nước thời gian qua, nhằm phản đối chính sách kinh tế hà khắc, đã gây áp lực không nhỏ lên Chính phủ Argentina, đồng thời kéo theo những bất ổn xã hội.

Giới chuyên gia cho rằng, thời gian tới, để hiện thực hóa các mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường dự trữ ngoại hối, phục hồi nền kinh tế và giữ cho chương trình cải cách đi đúng hướng, Chính phủ Argentina sẽ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, thậm chí phải chấp nhận những đánh đổi khó khăn. Việc cân bằng giữa hai mục tiêu cải cách nền kinh tế và bảo đảm ổn định xã hội sẽ tiếp tục là bài toán khó đối với Buenos Aires.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chang-duong-cai-cach-chong-gai-cua-argentina-post810345.html