Câu chuyện lịch sử trăm năm trong cuốn sách 'Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn'

Sáng ngày 4/5, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học Lê Y Linh và nhà sưu tầm văn cổ Ngô Nhật Tăng cho ra mắt độc giả cuốn sách 'Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn' tại phòng nghệ thuật - nhà xuất bản Hội nhà Văn (65 Nguyễn Du - Hà Bà Trưng - Hà Nội).

Lễ ra mắt cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn của nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học Lê Y Linh và nhà sưu tầm văn cổ Ngô Nhật Tăng

Chầu văn hay còn được gọi là hát văn, hát hầu đồng, hát bóng là loại hình nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh và nhà sưu tầm văn cổ Ngô Nhật Tăng đã cho ra mắt nghiên cứu về 100 năm hầu bóng - nhạc - văn. Công trình này đã được nghiên cứu qua nhiều năm với nhiều tư liệu quý, giúp phần làm giàu thêm cho kho tàng tri thức về loại hình nghệ thuật đặc biệt này.

“Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn”là câu chuyện lịch sử trăm năm của tín ngưỡng hầu bóng và nghệ thuật hát văn, đồng thời là tuyển tập đầy đủ nhất hàng trăm bài hát chưa công bố của một trong những “cây đại thụ” trong làng nhạc văn - hầu bóng: thầy Phạm Văn Kiêm. Khi nói về thầy, cung văn, nhà đạo gọi thầy là “ông Kiêm chùa Vua”. Những di sản thầy để lại xứng đáng trở thành nguồn tư liệu quý giá trong hành trình phụng sự nhà Thánh.

Cuốn sách dày 800 trang, bao gồm hai phần: phần thứ nhất miêu tả, chú giải, phân tích, tổng kết ngôn ngữ âm nhạc và cấu trúc nghi lễ thực hành hầu bóng trước năm 1990; phần thứ hai công bố toàn bộ bộ sưu tập gần hai trăm bản văn được chú giải chi tiết của thầy Phạm Văn Kiêm. Ngoài ra, những bản văn của thầy được đối chiếu với những bản văn cổ được xuất bản bằng chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX, một giai đoạn then chốt trong sự biến thân của thực hành tín ngưỡng.

Cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn”

Có thể nói, đây là công trình nghiên cứu lâu năm nhất mà tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh theo đuổi. Bắt đầu từ những năm 80, nghệ thuật hát văn và hầu bóng đã thu hút mối quan tâm của chị. Theo đuổi đề tài này ở giai đoạn ấy là một thử thách vì nghệ thuật hầu bóng còn bị cấm. Lê Y Linh đã chọn cách đi theo công văn được đánh giá là giỏi và có nghề của thầy Phạm Văn Kiêm để nghiên cứu bộ môn này.

Cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” nhờ đó có được dấu ấn của lịch sử, sự quý giá của tư liệu và tính khoa học từ góc nhìn đa chiều.

Thêm một cuốn sách về di sản hát văn là thêm một tài sản quý cho kho tàng tri thức văn hóa dân gian của Việt Nam. Đây là cuốn sách không chỉ mang tính văn hóa mà còn là một trang lịch sử của Việt Nam ở góc nhìn của người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật dân gian.

Thanh Hoa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/cau-chuyen-lich-su-tram-nam-trong-cuon-sach-pham-van-kiem-va-tram-nam-hau-bong-nhac-van-a24634.html