Cải tạo chợ truyền thống: Chú trọng lợi ích của người dân

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của các đô thị hiện đại, chợ truyền thống cần được đổi mới về không gian đô thị và cả phương thức kinh doanh.

Những sạp hàng tạp hóa ở chợ Ngã Tư Sở luôn trong tình trạng đìu hiu vắng khách.

Những sạp hàng tạp hóa ở chợ Ngã Tư Sở luôn trong tình trạng đìu hiu vắng khách.

Chợ vắng khách vì đâu?

Không còn vẻ sầm uất, nhộn nhịp như trước đây, chợ truyền thống hiện tại ít được người tiêu dùng lựa chọn. Tình trạng xuống cấp tại các khu chợ truyền thống như: Chợ Ngã Tư Sở, chợ Cầu Giấy... là một trong những nguyên nhân khiến cho các khu chợ này vắng khách.

Theo ghi nhận, vào khoảng 17h hằng ngày tại chợ Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân), cảnh tượng vắng vẻ, yên ắng bên trong khu chợ trái ngược hoàn toàn với sự nhộn nhịp, đông đúc bên ngoài. Rất nhiều gian hàng đóng cửa, kệ bày hàng bỏ không, hư hỏng, hầu hết đã được các tiểu thương phủ bạt. Dưới thời tiết nắng nóng, không khí ngột ngạt bao trùm khu chợ khiến vài vị khách ghé qua cũng phải mua bán nhanh chóng rồi rời đi.

Một tiểu thương kinh doanh vải may ở chợ Ngã Tư Sở từ những ngày đầu khi chợ mới xây cho biết, khu chợ đã xuống cấp rất nhiều và khách đến ngày càng thưa thớt. Một tháng bán vải cũng chỉ đủ tiền thuê gian hàng, thậm chí có tháng còn phải bù lỗ.

Còn tại chợ Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng trong tình trạng tương tự. Từ một khu chợ hoạt động sầm uất, nhộn nhịp với hơn 200 hộ buôn bán kín cả 2 tầng, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 30 hộ buôn bán chủ yếu ở tầng 1. Trong khi đó, toàn bộ tầng 2 bị bỏ trống. Nhiều gian hàng cửa kín then cài; khu ăn uống lác đác 1-2 hàng mở cửa...

Hầu hết các tiểu thương ở các khu chợ trên đều mong muốn chợ được cải tạo, xây mới để vừa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vừa có một diện mạo mới để thu hút các tiểu thương quay lại kinh doanh, thu hút nhiều khách hàng hơn. Trong khi đó, ở một số khu chợ vốn nổi tiếng sầm uất của Hà Nội như chợ Mơ, chợ Hàng Da... sau khi phá dỡ để xây trung tâm thương mại đều trở nên ế khách, hoạt động cầm chừng.

Tình trạng người bán nhiều hơn người mua ở các khu chợ kiểu mới là phổ biến.

Tình trạng người bán nhiều hơn người mua ở các khu chợ kiểu mới là phổ biến.

Điển hình như dự án cải tạo chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) là một trong số những dự án xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, cải tạo, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại đô thị được UBND TP Hà Nội kêu gọi đầu tư. Khi dự án hoàn thành tháng 10/2004, nhiều hộ kinh doanh đã quay trở lại khu chợ để buôn bán, chợ phiên được tổ chức phía trong khuôn viên tổ hợp cũng đã nhộn nhịp trở lại. Nhưng viễn cảnh đó chỉ kéo dài được một năm, từ đó đến này chợ Mơ luôn trong tình cảnh vắng vẻ, đìu hiu.

Đặc biệt, có những chợ được xây nhiều năm nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng. Điển hình như chợ Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) đã cơ bản hoàn thành vào năm 2017 nhưng đến nay trở thành nơi đỗ xe, tập kết phế liệu và vật liệu xây dựng...

Cải tạo chợ truyền thống theo đúng công năng

Luận bàn về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, cải tạo chợ của TP Hà Nội là một chủ trương đúng đắn để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đời sống của người dân, nhưng từ quy hoạch cho đến thực tế lại là một câu chuyện khác. Hiện nay, các chủ doanh nghiệp đều nhắm vào các chợ để tăng giá trị bất động sản. Điều đó dẫn đến việc quy hoạch, cải tạo chợ đang dần bị biến tướng. Chợ truyền thống sau khi cải tạo thì không còn là chợ nữa mà trở thành những siêu thị hay chung cư cao tầng như chợ Mơ, chợ Hàng Da, người dân muốn đi chợ thì xuống tầng hầm. Việc chuyển chợ xuống hầm khiến cho người dân có cảm giác lo sợ vì chợ bị bịt kín mít, rất dễ xảy ra cháy nổ nên ít người lựa chọn mua sắm ở đây.

“Mặt khác khi cải tạo chợ, các nhà thầu mới chỉ đưa ra bản vẽ quy hoạch để làm sao phục vụ cho lợi ích của chủ thầu. Cần phải quy hoạch, cải tạo hướng tới lợi ích cho người dân thì mới đạt được hiệu quả lâu dài cho chợ truyền thống”, KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Các sạp hàng hóa, thực phẩm bị đẩy xuống tầng hầm khiến chợ Mơ vắng khách.

Các sạp hàng hóa, thực phẩm bị đẩy xuống tầng hầm khiến chợ Mơ vắng khách.

Liên quan đến vấn đề này, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, chợ truyền thống từ xa xưa đã luôn được bố trí tại các địa điểm giao thông thuận tiện để thu hút khách hàng, thuận tiện cho mua bán. Trong thời kinh tế thị trường, một số nhà đầu tư ngắn hạn thường quan tâm đến những bất động sản béo bở. Vì thế, rất nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội đã bị biến mất, trở thành những “tổ hợp” mà không biết nên gọi nó là cái gì, thương mại thì không, hoạt động mà hỗn hợp nhà ở thỉ rất bất tiện. Chính vì cách đầu tư ngắn hạn đó mà những nhà đầu tư đã thất bại.

KTS Trần Huy Ánh kiến nghị, muốn cải tạo đúng phải trả lại đúng chức năng của chợ nhưng phải văn minh, sạch sẽ, tiện nghi, an toàn hơn. Những ngôi chợ như thế sẽ tạo nên điểm nhấn cho kiến trúc, là nơi hoạt động của cộng đồng dân cư đô thị. Còn với những khu chợ đã được cải tạo, để phục vụ tốt hơn cho người dân cần phải lấy ý kiến khảo sát của cộng đồng tiểu thương xem họ có hài lòng với chợ hiện đại hay không; đồng thời khảo sát ý kiến người dân đến mua hàng xem nguyên vọng của họ là gì, sau đấy căn cứ vào đó để điều chỉnh.

Toàn TP hiện có 453 chợ trong đó có 248 chợ bán kiên cố và vẫn còn 116 chợ lều lán tạm. Thời gian tới, Hà Nội dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chỉnh trang đô thị, giảm tình trạng phát sinh chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông...

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cai-tao-cho-truyen-thong-chu-trong-loi-ich-cua-nguoi-dan-339838.html