Cách giúp trẻ xua tan nỗi sợ xuống nước

Trẻ nhỏ gặp chứng sợ nước là điều rất bình thường. Tuy nhiên, không ít phụ huynh cảm thấy thất vọng và không biết làm cách nào để giúp con vượt qua.

Cha mẹ có thể khiến trẻ bớt sợ nước bằng việc sử dụng kính bơi đầy màu sắc, phao có in hình nhân vật yêu thích của bé.

Vì sao trẻ sợ nước?

Một đứa trẻ 3 tuổi có thể rất thích tắm và hào hứng với chuyến đi biển sắp tới của gia đình. Song, khi đến bãi biển, trẻ lại khóc muốn về và thậm chí không dám chạm ngón chân xuống nước.

Hoặc, có thể trẻ chỉ tỏ ra thích thú khi cha mẹ nhẹ nhàng bế chúng trong hồ bơi. Tuy nhiên, giờ đây, khi đã là một đứa trẻ mới biết đi, chỉ cần nhắc đến chuyến du ngoạn ở hồ bơi cũng khiến bé hét lên: “Không!”

Nếu những tình huống này nghe có vẻ quen thuộc, thì các phụ huynh không đơn độc. Trong hầu hết trường hợp trẻ sợ nước, cha mẹ thường có xu hướng đổ lỗi cho sự phát triển non nớt của con mình. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh không phải lúc nào cũng có nhận thức về nước như một thứ đáng sợ. Trẻ thường sẽ vui vẻ té nước trong bồn tắm, hồ, biển hoặc bể bơi. Song, khi lớn hơn, trẻ bắt đầu sợ nước.

Thời điểm trẻ chập chững biết đi và bước vào mẫu giáo là những năm mà các bé thường phát triển nỗi sợ nước. Lý giải về nguyên nhân của tình trạng đó, các chuyên gia cho biết, ở độ tuổi này, trẻ có thể đột nhiên nhận thức được sự rộng lớn và bí ẩn của những hồ nước lớn. Trẻ cũng có thể nhận ra rằng, nước là thứ có thể gây nguy hiểm.

Tuy nhiên, trẻ vẫn chưa tìm được cách để hợp lý hóa những nỗi sợ hãi này hoặc đưa chúng vào thực tế. Trẻ cũng chưa có kinh nghiệm sống để biết rằng, mặc dù nước có thể trông đáng sợ nhưng thực tế thì không phải vậy.

Một số trẻ có thể gạt bỏ những nỗi sợ hãi này dễ dàng hơn các bạn cùng lứa. Nếu trẻ gặp khó khăn với nước hoặc có mối liên hệ đặc biệt sâu sắc với nước, những nỗi sợ hãi này có thể dữ dội hơn.

Nếu trẻ từng gặp trải nghiệm đáng sợ trong nước (ngay cả trong bồn tắm) chẳng hạn như trượt chân, bị nước bắn tung tóe quá mức hoặc bị ngâm trong nước không mong muốn, điều này có thể khiến những nỗi sợ hãi càng trở nên phổ biến và khó xóa nhòa hơn.

Một số trẻ có thể không có trải nghiệm đặc biệt đáng sợ dưới nước mà là cảm giác khó chịu, chẳng hạn như nước vào mũi hoặc vào mắt. Khi đó, nỗi lo lắng về tình trạng này xảy ra lần nữa sẽ khiến trẻ cảm thấy miễn cưỡng lúc xuống nước.

Một đứa trẻ có vấn đề về xử lý giác quan hoặc dễ bị quá tải về giác quan cũng có thể gặp khó khăn với nước, cát hoặc tiếng ồn lớn.

Học bơi là điều cần thiết cho tất cả trẻ em từ 4 tuổi trở lên.

Chiến lược giúp trẻ xua tan sợ hãi

Thông thường, các phụ huynh sẽ cảm thấy bối rối khi con mình mắc chứng sợ nước một cách phi lý. Hoặc, cha mẹ có thể hoang mang khi những nỗi sợ hãi của trẻ dường như không thể lay chuyển được. Tốt nhất phụ huynh nên áp dụng cách tiếp cận có chừng mực, đồng cảm và bình tĩnh khi giải quyết nỗi sợ hãi của con mình. Suy cho cùng, nếu cha mẹ tỏ ra căng thẳng, trẻ sẽ nhận ra điều này. Điều đó sẽ chỉ làm tăng thêm nỗi sợ hãi của trẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh có thể để trẻ làm quen và thích nghi từ từ với nước. Có thể ngày đầu tiên, trẻ chỉ chạm một ngón chân xuống nước, nhưng ngày hôm sau sẽ là đầu gối, rồi đến thắt lưng,... Một số trẻ thực sự cần thêm thời gian để cảm thấy thoải mái. Do đó, phụ huynh tuyệt đối không ép con.

Cha mẹ cũng có thể khiến trẻ bớt sợ bằng việc sử dụng những chiếc kính bơi đầy màu sắc, phao có in hình nhân vật yêu thích của bé, hoặc áo phao sặc sỡ.

Một số trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi xuống nước với công cụ hỗ trợ. Những món đồ này có thể khiến trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm hơn. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là dù một số món đồ này rất thú vị, nhưng chúng không phải là đồ chơi.

Như Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị, cha mẹ không bao giờ nên cho phép các thiết bị hỗ trợ nổi mang lại cho trẻ cảm giác an toàn sai lầm, hoặc sử dụng chúng để thay thế cho việc giám sát.

Một số trẻ sẽ có xu hướng nghe lời người lớn khác hơn là cha mẹ khi xuống nước. Một người hướng dẫn bơi tốt bụng, kiên nhẫn có thể sẽ khiến trẻ đỡ sợ nước. Hơn nữa, họ có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này và những thủ thuật để giúp trẻ thoải mái hơn khi ở dưới nước.

Trong khi đó, một số trẻ chỉ cảm thấy thoải mái nếu cha mẹ xuống nước cùng mình. Phụ huynh có thể mất vài ngày để bế hoặc nắm tay trẻ. Sau đó, hãy nhẹ nhàng thả lỏng cơ thể.

Tuy nhiên, ngay cả khi không nắm tay trẻ, phụ huynh cũng đừng bao giờ đi quá xa. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các cha mẹ cần luôn ở gần khi trẻ xuống nước.

Với chứng sợ nước, cha mẹ cần kiên nhẫn và giúp trẻ vượt qua.

Không ít phụ huynh đặt ra câu hỏi về việc, khi nào nên dạy con tập bơi. Theo các chuyên gia, cha mẹ cần kiên nhẫn để trẻ vượt qua nỗi sợ nước. Song, điều quan trọng là không để nỗi sợ hãi của trẻ ngăn cản chúng học bơi.

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, sau dị tật bẩm sinh, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 1 - 4 tuổi. Một trong những cách phòng vệ tốt nhất chống lại đuối nước là dạy trẻ bơi.

Thực tế, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ trước đây đã khuyến nghị trẻ em nên đợi đến bốn tuổi mới bắt đầu học bơi. Song, vào tháng 3/2019, tổ chức này đã thay đổi hướng dẫn để bổ sung rằng, trẻ nên bắt đầu học bơi ngay từ một tuổi. Đồng thời, họ trích dẫn nghiên cứu cho thấy rằng, phương pháp này có thể làm giảm tỷ lệ đuối nước ở trẻ nhỏ.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên cha mẹ nên thảo luận về sự sẵn sàng phát triển của con mình khi học bơi với bác sĩ nhi khoa. Đồng thời, tìm kiếm chương trình dạy bơi với các giáo viên có kinh nghiệm. Bác sĩ nhi khoa cũng là người có thể thảo luận về bất kỳ nỗi sợ hãi nào mà trẻ gặp phải về nước. Họ có thể lập kế hoạch riêng để giúp trẻ vượt qua những nỗi sợ hãi này.

Cha mẹ có thể rất căng thẳng khi thấy con mình phải vật lộn với nỗi sợ hãi và lo lắng. Đó là một sự thôi thúc tự nhiên khi muốn cố gắng giải thích hợp lý với con hoặc thúc giục chúng một cách dứt khoát “vượt qua” những gì đang khiến trẻ bận tâm. Song, với chứng sợ nước, cha mẹ cần kiên nhẫn và giúp trẻ vượt qua.

Nếu các chiến lược như trên dường như không hiệu quả, hãy liên hệ với bác sĩ, nhà tâm lý học hoặc người hướng dẫn bơi lội được chứng nhận để tư vấn cho trẻ. Điều quan trọng là không nên để nỗi sợ nước của trẻ ngày càng phát triển mạnh. Bởi, dạy con bơi là điều quan trọng và là điều cha mẹ nên làm càng sớm càng tốt.

Về mặt phát triển, hầu hết trẻ em đều sẵn sàng học bơi chính thức khi được khoảng 4 tuổi. Ở độ tuổi này, hầu hết trẻ em có thể phối hợp các động tác để bơi sải và đạp chân. Đây là những kỹ năng quan trọng cần thiết để bơi thành công. Hơn nữa, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng, học bơi là điều cần thiết cho tất cả trẻ em từ 4 tuổi trở lên. Từ đó, giúp trẻ nắm bắt được những kỹ năng an toàn dưới nước.

Khi đăng ký cho con học bơi, cha mẹ hãy đảm bảo trẻ sẽ được hướng dẫn bởi những người có chứng chỉ. Một việc làm rất hữu ích là tìm chương trình cho phép trẻ chuyển tiếp lên một cấp độ mới mỗi khi chúng thành thạo kỹ năng đang học. Nếu có thể, hãy quan sát một hoặc hai lớp học trước khi quyết định cho trẻ theo học.

Các chương trình bơi lội tốt nhất cung cấp sự kết hợp giữa hướng dẫn và trò chơi. Chương trình như vậy không chỉ dạy cho trẻ những kỹ năng quan trọng, mà còn rất thú vị.

Theo các chuyên gia, học bơi là một kỹ năng sống thiết yếu. Đồng thời, cũng là kỹ năng sống mà cha mẹ nên giáo dục cho trẻ từ sớm. Thêm vào đó, bơi lội là một cách tập thể dục tuyệt vời. Bơi thường trở thành môn thể thao suốt đời, ngay cả khi con người già đi. Nếu trẻ thực sự thích bơi lội, cha mẹ có thể cân nhắc việc để con tham gia một câu lạc bộ bơi lội hoặc thi đấu bơi lội trong khu vực.

Sẽ rất hữu ích nếu cha mẹ hiểu lý do đằng sau nỗi sợ hãi của con mình. Đôi khi, nguyên nhân của nỗi sợ có thể khó xác định, đặc biệt nếu đó là nỗi sợ nước nói chung. Song, nhiều trẻ có thể sẽ kể cho cha mẹ nghe về một bộ phim kinh dị mà chúng đã xem liên quan đến nước, hoặc một nỗi sợ hãi cụ thể nào đó, chẳng hạn như một con quái vật sống dưới đáy hồ hoặc bể bơi.

Nếu biết trẻ đang vật lộn với điều gì, cha mẹ có thể dễ dàng giúp con mình vượt qua nỗi sợ hãi và cảm thấy thoải mái hơn khi ở dưới nước. Trong trường hợp trẻ có vẻ đặc biệt sợ hãi hoặc lo lắng và cha mẹ không thể tìm hiểu tận cùng vấn đề, việc sắp xếp một hoặc hai buổi với chuyên gia tâm lý trẻ em có thể mang lại hiệu quả.

Theo Very well family

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cach-giup-tre-xua-tan-noi-so-xuong-nuoc-post683027.html