Cá nuôi lồng bè chết hàng loạt do sốc nước ngọt

Gia đình bà Võ Thị Luyến ở thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) đưa cá chết vào bờ để chôn lấp. Ảnh: ANH NGỌC

Mấy ngày qua, đặc biệt trong hai ngày 2-3/11, xảy ra tình trạng cá nuôi lồng bè tại khu vực cửa sông Lễ Thịnh thuộc thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho ngư dân. Các cơ quan chức năng đang kiểm tra và phối hợp với địa phương khắc phục thiệt hại và xử lý môi trường.

Bà Võ Thị Luyến ở thôn Phú Lương, cho biết: Gia đình tôi có hai bè nuôi cá mú (giống cá mú Trân Châu) ven bờ với số lượng hơn 17.000 con. Thường thì vào thời điểm này, các thương lái đã đến thu mua để xuất bán đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chưa có thương lái đến thu mua, cá mú đã đạt kích cỡ xuất bán còn tồn ở các bè nuôi rất nhiều. Gia đình tôi cùng nhiều hộ nuôi khác tiếp tục chăm sóc, chờ có thương lái đến mua sẽ xuất bán. Tuy nhiên, mấy ngày nay ở khu vực huyện Tuy An có mưa, nước đổ về nhiều nên cá nuôi bị sốc nước ngọt rồi chết nổi kín lồng nuôi, nhất là trong ngày 2/11 cá chết rất nhiều. Sau 6 năm nuôi cá mú, đoạn gần cửa sông Lễ Thịnh, đây là năm đầu tiên gia đình tôi gặp phải tình trạng cá bị chết hàng loạt, vụ nuôi này có khả năng mất trắng.

Không chỉ gia đình bà Luyến mà hàng trăm hộ dân nuối cá lồng bè ở thôn Phú Lương cũng cùng chung cảnh ngộ bởi cá nuôi chết hàng loạt. Theo các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây, cá mú là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, thời gian nuôi phải hơn 1 năm mới đạt trọng lượng, kích cỡ xuất bán cho thương lái, hiện giá cá mú khoảng 250.000 đồng/kg. Do số lượng cá nuôi chết nhiều, người dân đã vớt cá từ lồng mang vào bờ, đến các cồn cát ven bờ để chôn lấp. Một số hộ nuôi đang tiếp tục vớt số lượng cá còn sống đem bán nhằm thu hồi một ít vốn đầu tư. Tuy nhiên, có một số hộ nuôi thiếu ý thức vứt cá chết xuống sông, cá chết nổi trên mặt nước trôi dạt vào bờ bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường…

Cá nuôi lồng bè ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) bị chết, người nuôi vứt xuống sông và trôi dạt vào bờ. Ảnh: ANH NGỌC

Cá nuôi lồng bè ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) bị chết, người nuôi vứt xuống sông và trôi dạt vào bờ. Ảnh: ANH NGỌC

Theo UBND xã An Ninh Đông, do mưa lớn kéo dài trong những ngày 28-31/10, mực nước đầm Ô Loan dâng cao chảy qua sông Lễ Thịnh rồi đổ ra biển, nên lượng nước ngọt đổ về nhiều khiến cá nuôi lồng bè của các hộ dân dọc sông Lễ Thịnh bị sốc nước ngọt và chết. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, cho biết: Qua kiểm tra thực tế và thống kê ban đầu, đến chiều 3/11, có hơn 276.750 con cá mú, cá hồng trên tổng số khoảng 810 lồng nuôi của 135 hộ dân có cá nuôi bị chết. Trong đó, khoảng 141.750 con cá lớn nuôi khoảng một năm tuổi, đã đạt kích cỡ, trọng lượng khoảng 0,7-1,3kg/con; khoảng 135.000 con cá nhỏ nuôi từ 1-3 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 150g/con. UBND xã An Ninh Đông đang tiếp tục rà soát, thống kê số lượng cá chết, số hộ dân bị thiệt hại, đồng thời báo cáo UBND huyện và các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân. Địa phương đang tổ chức tuyên truyền, vận động người nuôi xử lý số lượng cá chết bằng cách chôn lấp và rải vôi bột tại các hố chôn, không vứt cá chết xuống sông gây ô nhiễm môi trường. Địa phương cũng triển khai thu gom cá chết trôi nổi trên sông và xử lý môi trường tại khu vực này…

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, cho biết: Sau khi xảy ra tình trạng cá nuôi bị chết nói trên, Chi cục Chăn nuôi và thú y đã cử cán bộ đến hiện trường để kiểm tra và xác định nguyên nhân. Kết quả kiểm tra thực tế tại địa phương cho thấy, môi trường vùng nuôi bị ngọt hóa trong khoảng thời gian tương đối dài. Nguyên nhân do mưa lớn, nước ngọt từ thượng nguồn đổ về qua khu vực sông Lễ Thịnh thoát ra biển tương đối chậm. Kết quả kiểm tra lâm sàng cá chết không có dấu hiệu bệnh lý. Qua kết quả kiểm tra, có thể xác định cá nuôi bị chết là do sốc độ mặn bởi môi trường nuôi bị ngọt hóa, đây là thiệt hại do thiên tai, không phải do dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, trước tình hình diễn biến môi trường bất lợi, làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên cá nuôi, nhất là cá mú nuôi, để hạn chế dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và thú y khuyến cáo người nuôi khẩn trương thu gom toàn bộ xác cá chết mang vào bờ để chôn lấp, không vứt cá chết ra môi trường gây ô nhiễm. Người nuôi nên tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường vùng nuôi, khi môi trường nuôi trở lại bình thường cần kịp thời cho ăn, tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách tích cực trộn các loại vitamin, khoáng chất, men vi sinh vào thức ăn cho cá. Người nuôi cũng cần kịp thời thu hoạch đối với cá đạt kích cỡ thương phẩm; không thả giống mới khi môi trường, thời tiết chưa ổn định; định kỳ vệ sinh lưới lồng, tắm cá, trộn kháng sinh cho cá ăn để phòng bệnh, nhất là bệnh lở loét rất dễ phát sinh sau mùa mưa bão.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/267042/ca-nuoi-long-be-chet-hang-loat-do-soc-nuoc-ngot.html