'Bứt phá' trong nông nghiệp từ chính sách hỗ trợ của tỉnh

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Trà Vinh thực hiện nhiều chương trình, đề án hỗ trợ phát triển trong nông nghiệp (lúa, cây ăn trái, trồng màu…) và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, một số nghị quyết của HĐND tỉnh; quyết định của UBND tỉnh đã tạo 'bứt phá' trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX.

Mô hình trồng màu trong nhà lưới kết hợp tưới nước tiết kiệm tại hộ ông Kim Thùng, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc huyện Duyên Hải được hỗ trợ từ Nghị quyết số 03, đem lại thu nhập từ 90 -100 triệu đồng/năm/0,2ha màu.

Mô hình trồng màu trong nhà lưới kết hợp tưới nước tiết kiệm tại hộ ông Kim Thùng, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc huyện Duyên Hải được hỗ trợ từ Nghị quyết số 03, đem lại thu nhập từ 90 -100 triệu đồng/năm/0,2ha màu.

Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tập thể… tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như: áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản; chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025…

Đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: đối với các chủ trương, chính sách của các nghị quyết hỗ trợ phát triển nông nghiệp thời gian qua như: Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết số 98/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐNĐ… là yếu tố thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành nông nghiệp của tỉnh cũng như tác động rất lớn đến nông dân trong sản xuất. Đó là, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có giá trị kinh tế cao, như: lúa, tôm, thủy sản, trái cây,... Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân.

Qua gần 03 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh Trà Vinh về quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025; tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ trên 34,248 tỷ đồng; có 570 hộ, cơ sở được thụ hưởng và gần 800ha đất lúa kém hiệu quả, đất mía, vườn tạp… được hỗ trợ chuyển đổi sản xuất sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao và nuôi thủy sản. Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐNĐ, ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, đã hỗ trợ, duy trì 05 dự án liên kết về lúa gạo, rau màu, tổng kinh phí gần 180 tỷ đồng, bên cạnh đó còn thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất dừa hữu cơ, nghêu,…

Thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, thị xã Duyên Hải đã triển khai thực hiện 19 dự án (09 dự án nhà lưới trồng màu; 10 dự án thủy sản đạt chứng nhận VietGAP và hỗ trợ công trình nuôi tôm thâm canh mật độ cao) với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Huyện Cầu Kè, đã triển khai 42 dự án, tổng diện tích 344ha/618 hộ được hỗ trợ đầu tư chuyển đổi sản xuất (cải tạo, trồng mới diện tích vườn già cỗi, kém hiệu quả và đất trồng lúa sang trồng dừa, cam sành, bưởi…); cùng với Nghị quyết số 98/2019/NQ-HĐND, ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh Trà Vinh về quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh; Cầu Kè đã đầu tư cho nông dân tại 07/10 xã, tổng diện tích hơn 89ha được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, tổng kinh phí đầu tư trên 3,564 tỷ đồng.

Nông dân Thạch Dũng, ấp Sóc Ruộng, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè được hỗ trợ vốn từ Nghị quyết số 03, đã chuyển đổi 0,4ha đất vuông tạp lên trồng dừa sáp.

Nông dân Thạch Dũng, ấp Sóc Ruộng, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè được hỗ trợ vốn từ Nghị quyết số 03, đã chuyển đổi 0,4ha đất vuông tạp lên trồng dừa sáp.

Nhà vườn Nguyễn Lê Vinh, ấp An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: Nghị quyết số 98/2019/NQ-HĐND đã tác động rất lớn cho nhà vườn ở Cầu Kè; qua nguồn vốn hỗ trợ 100 triệu đồng và gia đình đối ứng hơn 200 triệu đồng đã xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới và phun thuốc tự động cho gần 04ha nhãn; giúp nhà vườn chủ động tiết kiệm chi phí nhân công so với bơm tưới thủ công; tiết kiệm nguồn nước cho cây trồng khi vào mùa khô hạn, mặn xâm nhập sâu vào Sông Hậu.

Nhận thức rõ vai trò của các HTX trong phát triển kinh tế - xã hội nhiều năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể để tạo đà cho HTX “bứt phá” và phát triển bền vững. Ngày 09/02/2021, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 298/QĐ-UBND về chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, nhằm hỗ trợ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về kinh tế tập thể, HTX.

Đồng chí Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh cho biết: về hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm từ Quyết định số 298; tỉnh đã đầu tư cho HTX nông nghiệp Long Hiệp xây dựng nhà xưởng với tổng kinh phí gần 03 tỷ đồng và 05 HTX đang lập kế hoạch/dự án để đề nghị hỗ trợ. Về hỗ trợ tri thức trẻ tham gia HTX, đến cuối tháng 10/2023 toàn tỉnh có 129 đại học về tham gia công tác tại các HTX, được hỗ trợ lương (03 năm) từ nguồn ngân sách tỉnh… Qua đó, tác động đến một số HTX thay đổi đáng kể khi đưa ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất; phát triển chất lượng các thương hiệu của địa phương như: gạo “Hạt ngọc rồng” của HTX nông nghiệp Long Hiệp; “Hạt ngọc Châu Long” của HTX nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành)… được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Ông Trầm Minh Thuần bên công trình nhà kho đang triển khai xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 298/QĐ-UBND.

Ông Trầm Minh Thuần bên công trình nhà kho đang triển khai xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 298/QĐ-UBND.

Ông Trầm Minh Thuần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp (xã Long Hiệp, huyện Trà Cú) cho biết: được hỗ trợ từ Quyết định số 298/QĐ-UBND đã tác động rất lớn cho HTX, nhằm ổn định để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Trước đây khi vào vụ lúa, HTX gặp một số khó khăn về trữ lúa và xay xát gạo để đưa ra thị trường. Qua nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại (gần 03 tỷ đồng) để xây dựng nhà kho với diện tích 1.000m2; với sức chứa 2.000 - 3.000 tấn lúa thương phẩm. Khi hoàn thành nhà kho, HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất liên kết với nông dân ở 02 xã Ngọc Biên, Tân Hiệp để phát triển nguồn nguyên liệu và thành viên HTX (hiện HTX có 72 thành viên).

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/but-pha-trong-nong-nghiep-tu-chinh-sach-ho-tro-cua-tinh-34743.html