Bước tiến về bình đẳng giới trong ngành hàng không Nhật Bản

Bà Mitsuko Tottori (60 tuổi) vừa trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành (CEO) đầu tiên của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) - Công ty cổ phần hàng không Nhật Bản. Đây là một bước tiến mang tính biểu tượng khi Nhật Bản đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới tại nơi làm việc.

 Bà Mitsuko Tottori, nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của hãng hàng không Japan Airlines

Bà Mitsuko Tottori, nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của hãng hàng không Japan Airlines

Từ một tiếp viên hàng không…

Bà Mitsuko Tottori đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị kiểm CEO của JAL vào tháng 4/2024, thời điểm mà hãng hàng không này đang phải giải quyết hậu quả từ vụ va chạm của chuyến bay 516 tại sân bay Haneda, ngày 2/1/2024. Hãng JAL nhấn mạnh, bà Tottori có kinh nghiệm thực tế cao trong các hoạt động và dịch vụ an toàn hàng không.

Theo ông Shukor Yusof, người sáng lập tổ chức Endau Analytics (chuyên giám sát hoạt động ngành hàng không), an toàn là điều đặc biệt quan trọng trong ngành hàng không và kinh nghiệm của bà Tottori sẽ giúp cải thiện các quy trình an toàn của hãng JAL. Mặt khác, bà Tottori còn được đánh giá cao với khả năng trao quyền cho nhân viên và giao tiếp cởi mở với những nhân viên cấp dưới của mình.

Bà Tottori sinh ra ở tỉnh Fukuoka vào năm 1964. Bà tốt nghiệp trường Cao đẳng Nữ sinh Kwassui (Nagasaki), một thành viên của mạng lưới đóng vai trò quan trọng trong giáo dục đại học cho phụ nữ. Bà gia nhập Toa Domestic Airlines vào năm 1985 (công ty này về sau sáp nhập với JAL).

Bà Mitsuko Tottori và cựu Chủ tịch của Japan Airlines Yuji Akasaka

Bà Mitsuko Tottori và cựu Chủ tịch của Japan Airlines Yuji Akasaka

Trong 30 năm làm việc cho hãng, bà làm ở vị trí tiếp viên hàng không. Năm 2020, bà Tottori được bổ nhiệm làm Trưởng bộ phận phi hành đoàn, giám sát 8.000 tiếp viên hàng không của hãng. Nhiệm kỳ 3 năm của bà rơi vào giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19, khiến số lượng chuyến bay của JAL giảm mạnh.

Do đó, bà đã dành gần như mỗi ngày để trao đổi với cấp dưới về việc thuyên chuyển những nhân viên bị giảm giờ làm cho đại dịch sang các loại công việc khác. Chiến lược này nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động, đồng thời tiếp tục mang lại giá trị cho xã hội.

Đảm nhận cương vị mới, bà Tottori tin rằng, sứ mệnh của mình là đặt sự an toàn lên hàng đầu, đồng thời tạo ra môi trường làm việc nơi mà tất cả nhân viên của JAL có thể phát triển.

Chưa đến 1% các công ty hàng đầu do phụ nữ lãnh đạo

Việc bổ nhiệm bà Tottori có thể xem là một bước tiến của Nhật Bản trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Thực tế, phụ nữ nước này đã và đang đối mặt với nhiều rào cản trên con đường sự nghiệp. Khi bà Tottori gia nhập công ty, "Luật Cơ hội việc làm bình đẳng" vừa được ban hành.

Bà Tottori bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1985, với vị trí tiếp viên hàng không

Bà Tottori bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1985, với vị trí tiếp viên hàng không

Khi đó, nhiều nữ tiếp viên hàng đã phải nghỉ làm sau khi kết hôn hoặc sinh con và cũng không có hệ thống tái tuyển dụng họ. Bản thân từng trải qua thời kỳ đó và giờ đây đang ở vị trí lãnh đạo, bà Tottori hy vọng có thể "khuyến khích và hỗ trợ những nhân viên nữ đang gặp khó khăn trên con đường sự nghiệp" bằng cách cho họ thấy rằng, ngay cả một tiếp viên hàng không cũng có thể trở thành chủ tịch.

Việc bổ nhiệm bà Tottori diễn ra vào thời điểm Nhật Bản đang nỗ lực đảm bảo sự đại diện bình đẳng của nam và nữ ở các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp. Với quyết định bổ nhiệm bà Tottori, JAL đã gia nhập nhóm chưa đến 1% các công ty hàng đầu Nhật Bản do phụ nữ lãnh đạo.

Theo Báo cáo "Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu năm 2023" của Diễn đàn kinh tế thế giới, Nhật Bản xếp hạng 125/146 quốc gia về bình đẳng giới. Trong khu vực châu Á, Nhật Bản đứng cuối ở bảng xếp hạng về bình đẳng giới.

Bà Mitsuko Tottori phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản

Bà Mitsuko Tottori phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản

Tính đến năm 2023, chỉ có 12,9% vị trí cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp tại "xứ sở hoa anh đào" do phụ nữ nắm giữ. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đưa 30% phụ nữ nắm giữ vị trí quản lý cấp cao tại các công ty niêm yết lớn vào năm 2030 và cho biết, Chính phủ sẽ có các nỗ lực xây dựng cơ chế khuyến khích phụ nữ.

Giáo sư-Tiến sĩ Seijiro Takeshita (Đại học Shizuoka) cho biết, truyền thống, tập quán và văn hóa là "tảng đá" khó phá vỡ nhưng mọi thứ đang thay đổi. Việc một phụ nữ trở thành CEO của một công ty hàng đầu Nhật Bản như trường hợp của bà Tottori là một dấu hiệu tích cực.

Gần đây, trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN (Mỹ), bà Mitsuko Tottori cho biết: "Nhật Bản vẫn đang trong quá trình thiết lập mục tiêu tăng số lượng lãnh đạo nữ. Tôi hy vọng, Nhật Bản sẽ sớm trở thành nơi mà người dân không ngạc nhiên khi một phụ nữ trở thành thủ tướng. Tôi nghĩ điều quan trọng là bản thân người phụ nữ phải hoạt động tích cực và phải có sự tự tin để trở thành người lãnh đạo. Tôi mong bản thân mình có thể truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác mạnh dạn làm những việc mà trước đây họ ngại ngần, không muốn thử sức".

Nguồn: CNN, Kyodo

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/buoc-tien-ve-binh-dang-gioi-trong-nganh-hang-khong-nhat-ban-20240520173213665.htm