Bộ Công Thương giao 5 nhiệm vụ trọng tâm cho các Viện trong ngành

Các Viện cần cụ thể hóa kế hoạch triển khai trong từng năm, từng giai đoạn, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu tái cơ cấu ngành

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Bộ Công Thương

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Bộ Công Thương

Ngày 26/11, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với các Viện Nghiên cứu ngành công thương nhằm đánh giá kết quả hoạt động của các Viện trong giai đoạn vừa qua. Cùng đó, chỉ ra những nhiệm vụ ưu tiên để tăng cường hơn nữa vai trò và đóng góp của các Viện trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành công thương đến năm 2030 và yêu cầu tái cơ cấu ngành.

Ông Lý Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện tại, Bộ Công Thương đã quản lý trực tiếp 11 Viện, 2 Viện đã thực hiện cổ phần hóa. Bên cạnh đó, 8 Viện thuộc các Tập đoàn, Tổng Công ty như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất, Tổng Công ty Thép, Tổng Công ty Giấy...

Các Viện của ngành là những tổ chức khoa học và công nghệ có bề dày lịch sử xây dựng và phát triển từ 35 đến 60 năm; có lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ độc lập, gắn với các ngành, phân ngành, lĩnh vực khác nhau thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Các Viện đều đã khẳng định vị thế trong hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ cả nước và khu vực, cũng như có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của ngành.

Tại buổi làm việc, đại diện các Cục, Vụ của Bộ Công Thương đã trình bày các hoạt động đã, đang và tiếp tục phối hợp với các Viện trong việc xây dựng các quy hoạch ngành, các văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò của các Viện nghiên cứu trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Bộ Công Thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Bộ Công Thương

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định: Không thể có một chính sách tốt nếu thiếu đi những luận cứ về khoa học và thực tiễn từ nhà nghiên cứu; cũng như không thể có một nền sản xuất hiện đại, tiên tiến nếu không có sự phát triển và ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ.

Cùng đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các Viện trong việc nghiên cứu, tư vấn chính sách và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Bộ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế và thách thức trong hoạt động của các Viện trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã chỉ ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới đây nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh và vai trò các Viện nghiên cứu trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương; hiện thực hóa các các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành công thương giai đoạn đến 2030.

Cụ thể, các Viện cần chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng; tổ chức quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến ngành công thương cho cán bộ, viên chức của các Viện. Cùng với đó, quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế (như cấp ủy, tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội); đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; giữ gìn đoàn kết, thống nhất và phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.

Bên cạnh đó, các Viện khẩn trương rà soát, xây dựng định hướng, mục tiêu phát triển của đơn vị trong giai đoạn đến 2030 theo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành công thương mới được phê duyệt.

Đặc biệt, cụ thể hóa kế hoạch triển khai trong từng năm, từng giai đoạn, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu tái cơ cấu ngành, cũng như phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới, nhất là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các Viện tập trung thực hiện tái cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động, bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hệ thống quản trị hiện đại để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; trong đó, tập trung vào những giá trị cốt lõi, phát huy thế mạnh đặc thù của từng đơn vị; phấn đấu xây dựng, phát triển các Viện thuộc Bộ trở thành các Trung tâm nghiên cứu, triển khai hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chuyên ngành, có uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế.

Mặt khác, các Viện chú trọng xây dựng và phát triển năng lực khoa học công nghệ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả chuyên môn để hình thành một hệ sinh thái đa dạng, linh hoạt, đóng góp những sản phẩm mang tầm quốc gia, khu vực và được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.

Đồng thời, tiếp tục làm tốt vai trò tư vấn, tham mưu chính sách, cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn giúp Bộ xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chiến lược phát triển ngành trong tình hình mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các Viện cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ, năng lực chuyên môn cao và tâm huyết với khoa học đáp ứng yêu cầu công việc, từng bước đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ, kế cận.

Hơn nữa, chú trọng đầu tư, đổi mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ của khu vực sản xuất và tiến tới làm chủ các công nghệ mới, nhất là các công nghệ lõi của công nghiệp 4.0; hình thành các tài sản trí tuệ của Viện và đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm, đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn thông qua việc liên doanh, góp vốn, mở rộng sản xuất bằng các tài sản trí tuệ của Viện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng gắn kết chặt chẽ với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; mọi hoạt động khoa học công nghệ phải gắn với sản xuất; bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn để có những sản phẩm khoa học công nghệ thiết thực, có sức lan tỏa mạnh trong ngành và được ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả vào thực tiễn.

Đặc biệt, tăng cường hợp tác với các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo có uy tín ở trong và ngoài nước nhằm trao đổi, chia sẻ, hợp tác nghiên cứu, tiếp thu trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý tiên tiến của khu vực và quốc tế, phù hợp xu thế hội nhập và sự phát triển công nghiệp 4.0. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo sau đại học và đào tạo cán bộ kỹ thuật tại doanh nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Viện, của ngành và của đất nước.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị đã chứng kiến lễ bàn giao Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Viện Nghiên cứu ngành công thương từ TS Đào Duy Anh- Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim cho TS. Phan Đăng Phong- Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-cong-thuong-giao-5-nhiem-vu-trong-tam-cho-cac-vien-trong-nganh/316213.html