Biểu hiện thường thấy của người nói dối

Nhà phân tích hành vi, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể chỉ ra một số dấu hiệu rất dễ nhận biết cho thấy ai đó đang nói dối.

1. Đột ngột cử động, nghiêng đầu: Theo tiến sĩ, nhà phân tích hành vi, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Lillian Glass, khi bạn đặt câu hỏi trực tiếp cho ai đó nhưng đột nhiên đối phương cử động đầu, cúi đầu, nghiêng hoặc rụt đầu ra sau, rất có thể họ đang nói dối bạn. Tiến sĩ nói thêm rằng hành vi này thường xảy ra ngay sau khi người đó được yêu cầu trả lời một câu hỏi.

2. Hơi thở đột ngột thay đổi: Tiến sĩ Glass nói với Business Insider rằng khi ai đó nói dối, có thể họ sẽ bắt đầu thở dốc và đây là một hành động theo phản xạ. Ngoài ra, khi hơi thở thay đổi, vai của họ cũng sẽ nhô lên và giọng nói cũng thay đổi theo. Về bản chất, khi nói dối, con người sẽ trở nên căng thẳng, lo lắng, từ đó khiến cơ thể có những thay đổi về nhịp tim, lưu lượng máu, dẫn đến tình trạng khó thở.

3. Bất động: Chúng ta đều biết rằng con người có dấu hiệu bồn chồn, đứng ngồi không yên khi cảm thấy lo lắng. Nhưng tiến sĩ Glass nói rằng chúng ta cũng nên chú ý đến những người không hề cử động. Theo bà, đây có thể là dấu hiệu của phản ứng "chiến đấu" - khi cơ thể sẵn sàng cho một cuộc đối đầu có thể xảy ra. "Khi bạn tham gia một cuộc trò chuyện bình thường, việc di chuyển cơ thể một cách thoải mái và vô thức là điều tự nhiên. Vì vậy, nếu ai đó đột nhiên bất động, cơ thể cứng đờ, đó thường là dấu hiệu cho thấy điều gì đó không ổn", tiến sĩ Glass nêu.

4. Lặp lại những điều vừa nói: Tiến sĩ Glass nói rằng những người nói dối có xu hướng lặp lại điều mà họ vừa thốt ra khỏi miệng vì họ đang cố thuyết phục đối phương và thậm chí là thuyết phục chính mình. Hơn nữa, việc nhắc lại điều vừa nói cũng là cách để họ câu giờ, từ đó có thêm thời gian để sắp xếp và tập hợp suy nghĩ.

5. Tự nhiên nói quá nhiều: Là nhà phân tích hành vi, tiến sĩ Glass nhận thấy khi ai đó liên tục nói nhiều và cung cấp quá nhiều thông tin chi tiết dù không cần thiết, rất có khả năng người đó đang nói dối. "Những kẻ nói dối thường nói rất nhiều vì họ tin rằng sự cởi mở và những thông tin họ đưa ra có thể thuyết phục người khác tin tưởng mình", tiến sĩ phân tích.

6. Dùng tay chạm hoặc che miệng: Theo bà Glass, một dấu hiệu khác của việc nói dối là người đó sẽ tự động đưa tay lên chạm vào miệng hoặc che miệng. Khi người lớn đặt tay lên môi, điều đó có nghĩa là họ không tiết lộ mọi thứ và không muốn nói ra sự thật.

7. Khó nói: "Nếu bạn từng xem đoạn băng thẩm vấn nghi phạm, bạn sẽ thấy người đó có xu hướng ngày càng khó nói", bà Glass nêu, đồng thời giải thích điều này xảy ra do hệ thống thần kinh tự động làm giảm lượng nước bọt tiết ra khi người đó căng thẳng. Điều này làm màng nhầy trong miệng bị khô nên việc nói sẽ khó khăn hơn. Ngoài khó nói, một số dấu hiệu khác của việc nói dối sẽ là đột ngột cắn môi hoặc mím môi.

Thái An

Ảnh minh họa: Pexels

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bieu-hien-thuong-thay-cua-nguoi-noi-doi-post1474811.html