Bệnh viện Ung bướu quá tải, bệnh nhân chờ cả tháng để xạ trị

Sau hơn một năm chính thức đi vào hoạt động, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức) được đầu tư gần 6.000 tỉ đồng hiện cũng đã quá tải. Hiện đang có khoảng 500-600 bệnh nhân đợi đến lượt xạ trị ung thư, trung bình mỗi người phải đợi từ 4-6 tuần mới tới lượt xạ trị.

Chờ cả tháng để xạ trị

Ngay từ sáng sớm, tại khoa Khám bệnh - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 đã có hàng ngàn người bệnh ngồi ở sảnh chờ tới lượt thăm khám. Mặc dù xếp hàng lần lượt theo số thứ tự nhưng nhiều người vẫn nhấp nhổm, có ý chen trước vì không muốn chờ đợi lâu.

Từ sáng đến trưa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 luôn đông người chờ đợi (Ảnh Như Thiện)

Từ sáng đến trưa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 luôn đông người chờ đợi (Ảnh Như Thiện)

Lực lượng bảo vệ và nhân viên công tác xã hội phải đi lại liên tục nhằm kiểm tra, phòng ngừa cò mồi hoặc kẻ xấu lợi dụng đông người móc túi bệnh nhân và nhắc nhở người dân tuân thủ xếp hàng.

Tại khu Xạ trị, người bệnh, thân nhân cũng ngồi đợi kín các hàng ghế chờ đến lượt.

Qua khảo sát, phần lớn người bệnh đều là từ các tỉnh thành khác, đến TP.HCM một ngày trước đó, thuê phòng trọ để sáng sớm kịp có mặt tại Bệnh viện Ung bướu:

- Bệnh viện này quá quá tải luôn. Đông đến mức là đi khám từ sáng mà chờ đến tối mới đến lượt. Mỗi lần khám là ở trọ lại vài ngày để khám cho xong. Chờ lâu lắm. Bệnh nhân tăng lên nhanh quá.

- Bây giờ quá tải, đông quá. Đợt trước mới đi khám, là bác sĩ báo là mình lên khám là lật đật lo lên đặt xe.

- Bác sĩ cho cái giấy hẹn lên lần sau mà giờ lên là 3,4 lần rồi. Tại con mình nó đau nên sốt ruột. Chứ lên thì phải chờ đợi bác sĩ thôi, phải có trước có sau. Mình sốt ruột cũng phải chờ đợi.

Tình trạng quá tải diễn ra ở cả khu khám bệnh Bảo hiểm y tế, cả khu dịch vụ. Đáng nói có đến hàng trăm người bệnh xạ trị phải đợi đến một tháng mới tới lượt.

Theo TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tổng cộng bệnh viện có 13 máy xạ trị, bao gồm các dòng máy từ đơn giản như xạ trị gia tốc 1 bước năng lượng tới những dòng máy cao cấp. Các máy này hầu như hoạt động hết công suất.

Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư là bệnh nhân mãn tính cần điều trị lâu dài và số lưu trị ngày càng tích lũy lên thì nhu cầu điều trị xạ cũng tăng lên.

Mặc dù các bác sĩ ở khoa đã cố gắng tiếp nhận bệnh nhân xạ trị 3 ca, trong đó ca ngoài hành chính kéo dài đến khoảng 21h giờ đêm, nhưng hiện vẫn còn khoảng 500-600 bệnh nhân đợi tới lượt xạ trị. Đây được xem là một sự nỗ lực của bệnh viện, tình hình đã tốt hơn so với trước đây.

Bệnh nhân đến khám phần lớn là ở giai đoạn trễ, bắt buộc điều trị lâu dài, làm cho số lưu trị càng tăng lên (Ảnh Như Thiện)

Bệnh nhân đến khám phần lớn là ở giai đoạn trễ, bắt buộc điều trị lâu dài, làm cho số lưu trị càng tăng lên (Ảnh Như Thiện)

Tìm nhiều phương án giảm tải

Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh cũng cho biết, sắp tới cơ sở 2 sẽ được trang bị thêm 2 máy xạ trị nữa hiện đại hơn, công suất hoạt động tốt hơn sẽ kéo giảm số ngày chờ cho bệnh nhân.

“Hiện giờ có 3 khoa xạ trị chính, tình hình chờ đợi trung bình là 4 tuần. Như vậy đây là một sự nỗ lực rất lớn luôn. Bởi vì trước đây có những lúc phải chờ đợi lâu hơn rất nhiều. Cũng phải nói thêm rằng trong 4 tuần chờ đó thì đã mất một tuần sắp xếp bệnh nhân. Bởi vì để chuẩn bị cho bệnh nhân xạ trị là tất cả mọi việc phải được lên kế hoạch chi tiết”, bác sĩ Linh cho hay.

Mỗi ngày, cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận 4.700 – 4.800 lượt khám, còn nội trú thường xuyên có khoảng 950 bệnh nhân. Con số này tăng hơn so với năm 2023 khoảng 10%.

Chỉ riêng khu vực xạ và hóa trị, mỗi ngày nhận hơn 1.000 bệnh nhân ngoại trú tới điều trị ngoại trú. Từ đầu năm đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu dần ổn định hơn.

Trong số bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu, có hơn 80% tới từ các tỉnh thành trong khu vực, trong khi trước đây tỉ lệ này chỉ khoảng 75%, còn người dân ở TP.HCM chỉ chiếm 16%.

TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, bệnh viện là đơn vị có số máy xạ trị nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, bệnh nhân đến khám phần lớn là ở giai đoạn trễ, giai đoạn 3 và 4, cũng là một nguyên nhân khiến việc điều trị kéo dài, làm tăng thêm tình trạng quá tải.

Tại khu xạ trị, bệnh nhân phải chờ cả tháng mới được đến lượt chạy tia (Ảnh Như Thiện)

Tại khu xạ trị, bệnh nhân phải chờ cả tháng mới được đến lượt chạy tia (Ảnh Như Thiện)

Trước tình hình đó, bệnh viện cũng áp dụng công nghệ thông tin để hẹn lịch mổ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, tránh bệnh nhân lên mỗi tuần. Bệnh viện sắp xếp ưu tiên không cần theo thứ tự các trường hợp cần phải xạ gấp, là những trường hợp nặng, u ác tính. Với những bệnh nhân cần điều trị bổ túc sau mổ, lành tính, chưa ảnh hưởng đến chất lượng điều trị thì sẽ chờ lâu hơn.

Ngoài ra, bệnh viện cũng sẽ đẩy mạnh công tác tầm soát để phát hiện bệnh sớm hơn cho người bệnh.

BS Diệp Bảo Tuấn cho rằng, các bệnh nhân có khuynh hướng tập trung đến những cơ sở xạ trị, trung tâm ung thư có uy tín lâu năm, trong khi đó, nhiều nơi lại vắng vẻ, chưa khai thác được hiệu quả nguồn lực. Do vậy phải tìm các giải pháp để "chia lửa".

“Hiện giờ thành phố đang có kế hoạch phòng chống ung thư trên địa bàn thành phố, trong đó sự vào cuộc từ các bệnh viện chuyên khoa, những nơi có điều trị ung thư tới bệnh viện quận huyện. Để góp phần phát hiện bệnh sớm chuyển bệnh nhân đến đúng bệnh viện chuyên khoa. Thậm chí bệnh nhân giai đoạn cuối cũng tránh tập trung ở bệnh viện Ung bướu, mà có thể đưa về các bệnh viện tuyến quận huyện, giúp thuận lợi cho điều trị hơn”, bác sĩ Tuấn cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, vấn đề liên kết vùng trong lĩnh vực y tế sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm tải cho tuyến trên. Hiện nay các bệnh viện tại TP.HCM đã tích cực phối hợp với các bệnh viện thuộc 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên nhằm triển khai các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho các tỉnh. Từ đó, nâng cao năng lực điều trị bệnh lý ung thư nói riêng và các bệnh lý khác nói chung để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của người dân tại các địa phương.

Kim Dung-CTV Như Thiện/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/benh-vien-ung-buou-qua-tai-benh-nhan-cho-ca-thang-de-xa-tri-post1095561.vov