Bé trai Ấn Độ mắc bệnh hiếm gặp sau 10 ngày sốt liên tục

Bé trai được đưa đến Bệnh viện Fortis (Ấn Độ) trong tình trạng sốt, khó chịu, có các cử động bất thường gồm trợn mắt, phồng đỉnh đầu và quấy khóc.

 Cytomegalo là loại virus phổ biến và một khi bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ lưu giữ virus này suốt đời. Ảnh: Pixabay.

Cytomegalo là loại virus phổ biến và một khi bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ lưu giữ virus này suốt đời. Ảnh: Pixabay.

Hindustan Times cho biết thời điểm vừa nhập viện, bé sơ sinh (2 tháng tuổi, sống ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) được chẩn đoán viêm màng não.

Do không thể kiểm soát các cơn co giật, trẻ được đặt nội khí quản và dùng kháng sinh. Về mặt lâm sàng, bé có dấu hiệu cải thiện khi bú và hoạt động nhưng tình trạng sốt cao không thuyên giảm.

Bệnh nhi sốt 3-4 đợt/ngày. Sau khi kiểm tra dịch não tủy nhiều lần, kết quả dương tính với virus cytomegalo (CMV). Trẻ được tiêm thuốc kháng sinh ganciclovir trong 6 tuần sau đó.

Tuy nhiên, sau 10 ngày, cơn sốt vẫn không thuyên giảm. Xét nghiệm dịch não tủy cho thấy trẻ bị nhiễm trùng rhodotorula, trường hợp lần đầu tiên được báo cáo trên toàn cầu.

Tiến sĩ Ashutosh Sinha, Giám đốc - Trưởng khoa Nhi của bệnh viện, cho biết rhodotorula là loại nấm men quý hiếm, chưa được xác định hoặc tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu không được điều trị ngay lập tức và đúng cách, cơ hội sống sót của bệnh nhi là rất thấp.

Trong khi đó, cytomegalo là loại virus phổ biến và một khi bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ lưu giữ virus này suốt đời.

Hầu hết người bệnh không biết họ có CMV vì nó hiếm khi gây ra vấn đề ở người khỏe mạnh. Nhiễm trùng cytomegalo thường xảy ra ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và HIV hoặc người đang hóa trị.

“Trước đây, tôi từng ghi nhận trường hợp nhiễm CMV ở trẻ sơ sinh do bị lây từ mẹ lúc mang thai hoặc qua sữa mẹ nhưng nhiễm trùng não là rất hiếm. Một số em bé có thể bị nhiễm qua sữa mẹ. Trong trường hợp này, chúng tôi không thể xác định chắc chắn liệu sữa mẹ có phải là chất mang mầm bệnh dù đã cho trẻ ngừng bú để hạn chế phơi nhiễm", bác sĩ Sinha giải thích thêm.

Ngoài ra, tiến sĩ Shubham Garg, Chuyên gia tư vấn cấp cao - Phẫu thuật ung thư của bệnh viện, chia sẻ việc tìm tĩnh mạch để tiêm thuốc cho trẻ sơ sinh là thách thức đối với các bác sĩ. Bệnh nhi 2 tháng tuổi phải tiêm thuốc qua tĩnh mạch suốt một tháng.

Ngoài ra, chemoport (buồng tiêm dưới da) thường được sử dụng ở những bệnh nhân cần hóa trị nhiều đợt. Nó được đặt ở vùng da bên dưới xương đòn và nối với tĩnh mạch lớn bằng ống thông.

Trong trường hợp này, các mạch/tĩnh mạch của trẻ quá nhỏ, không vừa với đường kính của ống thông. Vì vậy, các bác sĩ phải làm một chiếc ống đặc biệt có kích thước nhỏ để đặt thành công trong tĩnh mạch với sự hỗ trợ của gây mê.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Fortis, đây là trường hợp đầu tiên nhiễm nấm men rhodoturula và viêm màng não do virus cytomegalo được điều trị thành công trên thế giới.

Nam Giao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/be-trai-an-do-mac-benh-hiem-gap-sau-10-ngay-sot-lien-tuc-post1427672.html