Bảo vệ môi trường tại các điểm tập kết, trung chuyển vật nuôi

Bắc Giang là một trong những tỉnh có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước, 60% sản phẩm chăn nuôi được xuất bán ra các tỉnh, thành phố lân cận, còn lại phục vụ tiêu thụ nội tỉnh. Để thuận tiện cho việc tiêu thụ, trên địa bàn đã hình thành một số điểm tập kết, trung chuyển vật nuôi song vấn đề môi trường tại đây còn nhiều bất cập.

Điểm tập kết gây ô nhiễm

Từ nhiều năm nay, người dân thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam) bức xúc trước việc điểm tập kết, trung chuyển lợn tại khu vực dốc Sàn gây ô nhiễm môi trường. Theo phán ánh của người dân, mỗi ngày có hàng trăm con lợn được đưa về đây để tắm rửa, cho ăn uống, sau đó bán cho thương nhân vận chuyển đi các thị trường trong và ngoài tỉnh.

 Chất thải từ khu tập kết, trung chuyển lợn ở thôn Hà Mỹ chảy ra đồng ảnh hưởng đến sản xuất.

Chất thải từ khu tập kết, trung chuyển lợn ở thôn Hà Mỹ chảy ra đồng ảnh hưởng đến sản xuất.

Điều đáng nói, do nằm sát khu dân cư, hệ thống xử lý chất thải chưa bảo đảm nên điểm tập kết lợn này thường xuyên phát ra mùi rất khó chịu. “Hầu như ngày nào cũng vậy, mùi hôi từ khu nhốt lợn theo hướng gió phả ra khiến gia đình tôi luôn phải đóng cửa, bữa ăn cũng mất ngon, cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh sự việc với chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết”- một người dân thôn Hà Mỹ xin giấu tên bức xúc cho biết.

Quan sát thấy, mỗi ngày có hàng chục xe chở lợn ra vào điểm tập kết. Nước tắm lợn, xịt rửa khu chuồng, rửa xe và thậm chí cả chất thải của lợn được xả ra khu đồng người dân đang canh tác phía sau, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Toàn bộ mương nước gần đó đều nhuốm màu đen, bốc mùi hôi, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất. “Bao năm làm đồng tại khu vực này, chúng tôi đều phải đi ủng lội ruộng, không dám để chân trần vì nước từ khu tập kết lợn chảy ra bẩn quá”- một người dân đang làm ruộng tại đây nói.

Được biết, điểm tập kết, trung chuyển lợn tại thôn Hà Mỹ hình thành tự phát từ nhiều năm nay do hộ ông Nguyễn Văn Dũng - người trong thôn đứng ra tổ chức xây các dãy chuồng nhốt lợn. Điểm này chưa được cơ quan chức năng cấp phép và không bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường khiến người dân xung quanh bức xúc. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại chưa quan tâm kiểm tra sát sao, chưa kiến nghị cơ quan chuyên môn xem xét, thẩm định mức độ ô nhiễm để xử lý theo quy định (?!)

Ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Chi bộ thôn Hà Mỹ cho biết, nhiều lần người dân đã kiến nghị, phản ánh đến xã về tình trạng ô nhiễm từ khu tập kết lợn. Năm 2021, UBND xã đã thành lập tổ kiểm tra đánh giá mức độ ô nhiễm, tổ chức khơi đường thoát nước, sau đó mọi việc vẫn như cũ. Người dân sở tại mong muốn tình trạng ô nhiễm từ điểm tập kết lợn nêu trên sớm được giải quyết, khắc phục, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe, môi trường sống khu dân cư, môi trường đất và nước ngầm.

Tại xã Liên Sơn (Tân Yên) nhiều năm nay cũng hình thành khu kinh doanh gia cầm (chủ yếu là gà) với hơn 160 hộ tham gia. Gà được nhập về từ nhiều địa phương, sau đó được thương nhân đưa đi các nơi tiêu thụ. Mặc dù xã đã tổ chức cho các hộ kinh doanh tại đây ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường song với số lượng lớn gia cầm được tập kết mỗi ngày vẫn phát sinh các vấn đề liên quan đến môi trường. Ngoài ra, khu vực tập kết kinh doanh, buôn bán gia cầm này diễn ra ven quốc lộ 17 và tỉnh lộ 298 còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Ngoài các điểm trên, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn có điểm tập kết giết mổ gia súc, gia cầm hình thành trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh đang có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tăng quy mô trang trại tập trung, giảm chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Theo ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi hàng hóa tập trung như đàn lợn tại các huyện: Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang; đàn gà tại các huyện Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang... Đi kèm với đó, doanh nghiệp, hợp tác xã và một số hộ dân đã xây dựng các kho, điểm tập kết, trung chuyển, điểm giết mổ động vật, tạo thuận tiện cho việc tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát dịch bệnh...

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số điểm tập kết, trung chuyển vật nuôi được cấp giấy phép, nằm cách xa khu dân cư và có hệ thống xử lý chất thải cơ bản bảo đảm các kiều kiện về môi trường và an toàn dịch bệnh. Ví như, trạm trung chuyển lợn của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Bắc Giang; Công ty TNHH ANT và công ty TNHH CJ Vina Agri chi nhánh Bình Dương (đều nằm trên địa bàn thị xã Việt Yên).

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số điểm tập kết, trung chuyển được cấp giấy phép, hoạt động khá chuyên nghiệp, cách xa khu dân cư và có hệ thống xử lý chất thải cơ bản bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Ví như, trạm trung chuyển lợn của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Bắc Giang; Công ty TNHH ANT và Công ty TNHH CJ Vina Agri chi nhánh Bình Dương (đều nằm trên địa bàn thị xã Việt Yên).

Theo ông Lê Chiến Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Liên Sơn, đến nay, địa phương đã tổ chức giải phóng mặt bằng được 90% đối với dự án xây dựng chợ gia cầm tại ngã ba Đình Nẻo, dự kiến trong năm nay sẽ khởi công xây dựng chợ. Khi chợ hoàn thành, toàn bộ việc kinh doanh, buôn bán gia cầm trên địa bàn sẽ được đưa vào đây, qua đó góp phần quản lý tốt vệ sinh an toàn dịch bệnh, môi trường cũng như an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Trước thực trạng trên, đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương (đặc biệt là UBND xã Chu Điện và cơ quan chuyên môn huyện Lục Nam) tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra hoạt động xả thải, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các điểm tập kết, trung chuyển vật nuôi. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với các điểm tập kết gây ô nhiễm, ngoài xử phạt, yêu cầu dừng hoạt động, khắc phục ngay hậu quả. Về lâu dài, tỉnh và các địa phương quan tâm quy hoạch các điểm tập kết, trung chuyển vật nuôi vào khu vực riêng, cách xa khu dân cư để bảo đảm môi trường và tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ vật nuôi.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bao-ve-moi-truong-tai-cac-diem-tap-ket-trung-chuyen-vat-nuoi-092323.bbg