Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Huyện Tân Sơn có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 76,1%, dân tộc Dao chiếm 5,6%, dân tộc H'Mông chiếm 0,12%. Tồn tại song song với đời sống, sinh hoạt của đồng bào là những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc của các dân tộc như: Diễn xướng chàm Đuống, hát Ví, hát Rang... của đồng bào dân tộc Mường; múa Chuông, múa Sinh Tiền trong Lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao; múa, thổi khèn của đồng bào dân tộc H'Mông...

Hạt nhân văn nghệ cơ sở tại huyện Tân Sơn tham gia lớp tập huấn truyền dạy hát Rang, hát Ví, chàm Đuống.

Hạt nhân văn nghệ cơ sở tại huyện Tân Sơn tham gia lớp tập huấn truyền dạy hát Rang, hát Ví, chàm Đuống.

Thông qua triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong huyện đã từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhằm bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn, huyện Tân Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp như: Duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống: Lễ hội xuống đồng mùng 8 tháng Giêng, mừng cơm mới, Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Tân Sơn gắn với Lễ hội xuống đồng xã Thu Cúc; bảo tồn di tích Đền Vía Lúa, xã Thu Cúc, Đền Cửa Thánh, xã Thạch Kiệt, Đền Tằn, xã Minh Đài. Tổ chức sưu tầm, lưu giữ các làn điệu dân ca cổ, chữ viết, mở các lớp truyền dạy, khuyến khích sinh hoạt các đội văn nghệ quần chúng ở các khu dân cư.

Huyện cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai điền dã, phục dựng, tổ chức lớp tập huấn truyền dạy các loại hình văn hóa dân gian truyền thống, tôn vinh các Nghệ nhân văn hóa dân gian. Đến nay, toàn huyện có 154 câu lạc bộ (CLB) chàm Đuống và hát Ví, hát Rang; 17 CLB múa Chuông, múa Sinh Tiền, một CLB thổi khèn, ba CLB đánh cồng, chiêng, một CLB hát Xoan, 150 Nghệ nhân dân gian các dân tộc thiểu số... Những di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát huy đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội, xây dựng nông thôn mới...

Tham gia lớp tập huấn truyền dạy hát Rang, hát Ví, chàm Đuống năm 2023 do UBND huyện Tân Sơn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, bà Hoàng Thị Phúc, dân tộc Mường, xã Thu Cúc chia sẻ: “Được tham gia lớp tập huấn, tôi đã cơ bản nắm được các nội dung, hiểu rõ hơn về sự độc đáo của những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Hiện nay, tôi luôn sẵn sàng tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ, truyền dạy lại cho các em, các cháu...”.

Đối với văn hóa vật thể, những năm qua, UBND huyện Tân Sơn đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích theo đúng quy định của pháp luật. Toàn huyện hiện có ba di tích gồm: Đền Cửa Thánh tại khu Chiềng, xã Thạch Kiệt; Đền thờ Vía Lúa tại khu Giác, xã Thu Cúc; Đền Tằn, xã Minh Đài. Các di tích đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trở thành nơi sinh hoạt văn hóa quan trọng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện vào các dịp lễ, Tết truyền thống.

Song song với bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp văn hóa của các dân tộc, huyện Tân Sơn đã đẩy mạnh hỗ trợ, xây dựng, tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT. Các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở từng bước được đầu tư, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, toàn huyện có một Trung tâm Văn hóa cấp huyện, 17 nhà văn hóa cấp xã, 192 nhà văn hóa khu dân cư. Các phong trào văn hóa, văn nghệ được quan tâm, tổ chức thường xuyên, thu hút người dân và hạt nhân văn nghệ quần chúng tham gia trình diễn, diễn xướng dân gian, giao lưu văn hóa, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức trân trọng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hoàng Giang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa/207675.htm