Báo Pháp Luật TP.HCM: Hành trình 32 năm và những dấu ấn

Báo Pháp Luật TP.HCM luôn nỗ lực với đóng góp nổi bật trên nhiều phương diện để thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích.

Chống tiêu cực; xây dựng chính sách; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người dân là những đóng góp nổi bật của Pháp Luật TP.HCM.

Nhiều loạt bài của Pháp Luật TP.HCM tạo hiệu ứng và kết quả rõ rệt. Ảnh: TL

Nhiều loạt bài của Pháp Luật TP.HCM tạo hiệu ứng và kết quả rõ rệt. Ảnh: TL

Vạch trần tiêu cực để xã hội tốt đẹp hơn

Phê phán, đấu tranh chống tiêu cực trong mọi lĩnh vực với mục đích xây dựng xã hội tốt đẹp hơn là nhiệm vụ trọng tâm của Pháp Luật TP.HCM qua nhiều thế hệ. Nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được báo thực hiện trong thời gian tới.

Tháng 7-2019, sau khi tiếp nhận thông tin, PV xác định có các băng nhóm móc túi ở khu vực Suối Tiên, TP.HCM và nạn nhân không chỉ là sinh viên mà còn gồm tất cả khách đón xe ở khu vực.

Sau hàng tháng tác nghiệp, với gần 2.000 clip được ghi, báo đã phối hợp với công an và cơ quan chức năng xử lý băng nhóm móc túi này.

Gần đây, bằng các loạt bài “Gã xe ôm hành nghề như “cướp cạn” ở Bến xe Miền Tây”, “Giang hồ chiếm Quảng trường Lâm Viên cho thuê xe điện”, “Nạn trộm vỏ ốc bẫy mực ở biển Tây Cà Mau”, “Giả bác sĩ vào khu cách ly điều trị F0”... báo đã giúp cơ quan chức năng chấn chỉnh, xử lý những mặt tiêu cực của xã hội.

Trong việc thực thi công vụ, có nơi, có lúc cán bộ chưa tuân thủ quy trình, quy định, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực. Bằng các loạt bài “Công an phường lập chốt bắt xe trên quốc lộ ở Bình Dương”, “CSGT làm luật trên sông Đồng Nai”, “Làm CCCD giá 3,5 triệu đồng”, “Chiêu trò gian lận thi lý thuyết ô tô”, “Trộm đồng hồ, nhẫn khi cưỡng chế nhà dân”… báo đã giúp cơ quan chức năng chấn chỉnh, điều chỉnh quy định, quy trình trong nhiều lĩnh vực, đem lại niềm tin cho người dân.

Pháp Luật TP.HCM luôn theo dõi, đồng hành với các cơ quan, ban ngành trong công tác xây dựng pháp luật.

Đồng hành với công tác xây dựng pháp luật

Là tờ báo chuyên sâu về pháp lý, Pháp Luật TP.HCM luôn theo dõi, đồng hành với các cơ quan, ban ngành trong công tác xây dựng pháp luật.

Năm 2015, Quốc hội (QH) thông qua BLHS, BLTTHS, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Các luật, bộ luật này đã được Chủ tịch nước công bố, chỉ chờ đến ngày có hiệu lực thi hành. Trong quá trình tìm hiểu, báo đã phát hiện một số lỗi lập pháp, điều luật này mâu thuẫn với điều luật kia dẫn tới không thể áp dụng, thi hành được trên thực tế.

Sau khi báo góp ý, các cơ quan chức năng đã rà soát và phát hiện ngoài BLHS 2015 thì BLTTHS 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cũng có những thiếu sót khác. Từ đó, QH đã thống nhất lùi thời hạn thi hành để tiến hành sửa đổi, bổ sung bốn luật, bộ luật này vào năm 2017.

Tháng 8-2022, Ủy ban Thường vụ QH họp chuyên đề pháp luật, trong đó xem xét về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Qua nghiên cứu, báo nhận thấy dự thảo pháp lệnh còn một số điểm, một số điều chưa ổn, có thể gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động tác nghiệp, đưa tin của báo chí trong lĩnh vực tố tụng và phản ánh những vấn đề trên.

Kết quả là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và cả Ủy ban Thường vụ QH đã điều chỉnh trước khi bấm nút thông qua, ban hành pháp lệnh.•

Trợ thủ pháp lý đắc lực cho doanh nghiệp

Loạt bài “Chìa khóa giữ đầu tàu thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào TP.HCM” vừa đoạt giải ba giải Báo chí TP.HCM 2022. Loạt bài “Tìm giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán Việt” và “Trả lại giá thị trường cho vàng SJC” đã tạo ra những hiệu ứng tốt với bạn đọc, chuyên gia và các cơ quan quản lý.

Về góp ý, phản biện chính sách kinh tế, thị trường bất động sản, giao thông đô thị có thể kể đến nhiều loạt bài ấn tượng như “Nghị quyết 18 ngăn chặn lãng phí tài nguyên đất đai”, “Chống thất thu thuế trong mua bán nhà đất”, “Cần các cơ chế đặc thù cho tuyến đường vành đai 3 TP.HCM”...

Nhiều hội thảo với quy mô lớn đồng hành cùng doanh nghiệp và địa phương cũng đã được tổ chức, bàn thảo trúng các vấn đề thời sự nóng hổi như “Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư”, đặc biệt là “Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn và giải pháp”… Báo cáo khuyến nghị từ hội thảo đã được gửi đến nhiều cơ quan trung ương và TP.HCM.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-phap-luat-tphcm-hanh-trinh-32-nam-va-nhung-dau-an-post698948.html