Báo Người Lao Động trao cờ, học bổng tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận

Sáng 28-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự, chỉ đạo Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh này.

Theo đó, ngày 10-11-2023, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg. Qua đó tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng.

Tại hội nghị này, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã trao bảng tượng trưng 10.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" để giúp ngư dân tỉnh Ninh Thuận vươn khơi bám biển.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao bảng tượng trưng 10.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc".

Đồng thời, Báo Người Lao Động cũng trao bảng tượng trưng 100 suất học bổng tổng trị giá 200 triệu đồng cho con các ngư dân nghèo, các học sinh dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi của tỉnh Ninh Thuận từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo".

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao bảng tượng trưng 100 suất học bổng tổng trị giá 200 triệu đồng cho con các ngư dân nghèo, các học sinh dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi của tỉnh Ninh Thuận.

Như vậy, sau 5 năm thực hiện chương trình, Báo Người Lao Động đã trao tặng gần 2,1 triệu lá cờ Tổ quốc từ 3 hợp phần là "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cho ngư dân 28 tỉnh, thành phố có biển; "Cờ Tổ quốc biên cương" đến 25 tỉnh có biên giới trên bộ và hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" để xây dựng đường cờ đến các Di tích lịch sử-văn hóa tại 44 tỉnh, thành trên toàn quốc. Trong đó, riêng tỉnh Ninh Thuận đã trao và ký kết trao 54.000 lá cờ Tổ quốc.

Mục tiêu tăng trưởng 10-11%/năm

Tại lễ công bố, ông Nguyễn Long Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển, với tầm nhìn chiến lược "Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt".

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đón nhận Quyết định Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ

Mục tiêu đến năm 2030, về kinh tế, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10-11%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200 triệu đồng.

Tỷ trọng GRDP của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 53-54%; khu vực dịch vụ khoảng 34-35%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12-13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2-3%. Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2030.

Quy hoạch mới của tỉnh Ninh Thuận được triển khai theo hướng thu hút đa dạng các nguồn lực, tích hợp các nguồn lực, đồng thời tập trung vào 5 trụ cột phát triển chính, có tính cạnh tranh cao.

Đó là trụ cột năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao với các sản phẩm đặc trưng; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng kinh doanh bất động sản.

Quy hoạch xác định 2 động lực tăng trưởng mới là: kinh tế biển và kinh tế đô thị. Đồng thời, tập trung phát triển 3 hành lang gồm: Tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và mở rộng phát triển theo trục Đông - Tây tạo kết nối vùng, liên vùng.

Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030, năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,...).

Tiềm năng lợi thế của tỉnh Ninh Thuận rất to lớn về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030, du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh.

55 dự án thu hút đầu tư

Cùng với việc công bố quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận cũng xúc tiến đầu tư 55 danh mục dự án thu hút vốn đầu tư trọng tâm.

Cụ thể, ở lĩnh vực thương mại dịch vụ với 18 dự án như: Cảng Cà Ná, Trung tâm logistics Cà Ná, kho xăng dầu Ninh Thuận, trung tâm thương mại, khu du lịch sinh thái Vĩnh Hy…

Lĩnh vực xây dựng, bất động sản có 14 dự án đô thị mới, khu dân cư.

Lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo có 9 dự án như điện khí hóa lỏng Cà Ná, thủy điện tích năng Phước Hòa, thủy điện Thượng Sông Ông 2, điện gió Đầm Nại 2, 3…

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định Ninh Thuận chọn cách phát triển “đảo logic”, đó là biến những điểm bất lợi phát triển truyền thống thành lợi thế phát triển hiện đại.

Lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo có 9 dự án tập trung vào hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Phước Nam 1, 2, 3, 4, 5, dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối…

Lĩnh vực Nông nghiệp gồm 5 dự án, như dự án sản xuất vùng nông nghiệp công nghệ cao Phước Trung, dự án Nuôi biển công nghệ cao rộng 920 ha, dự án Trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa cao sản và xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò…

Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án đến 14 nhà đầu tư. Tổng số vốn của các nhà đầu tư đăng ký khoảng 120.000 tỉ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án cho 14 nhà đầu tư

Một số dự án tiêu biểu như: Dự án Nghiên cứu, phát triển hydro xanh – Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam; Dự án điện gió ngoài khơi – Tập đoàn T&T; Dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại 3, Đầm Nại 4 - Liên doanh Công ty CP TSV và Công ty TNHH The Blue Circle; dự án Nhà máy sản xuất nước giải khát của Công ty CP Nước giải khát nhiệt đới Sài Gòn; Dự án Nhà máy may Hoàng Thành Đô Lương của Công ty CP Sản xuất và Đầu tư Hoàng Thành Đô Lương...

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, khẳng định tỉnh Ninh Thuận tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là luận chứng khoa học về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và phương án bố trí không gian lãnh thổ tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn 10 năm tới và tầm nhìn chiến lược đến năm 2050, từ đó định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

Tỉnh Ninh Thuận cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Biến không thể thành có thể

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua đã vươn lên, tiến kịp, đi cùng với cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cho rằng nếu chưa có quy hoạch sẽ chưa phát triển đúng đường, đúng hướng, chưa hiểu được thách thức, khó khăn, vướng mắc... Do đó, nước ta đang tập trung thực hiện các quy hoạch từ quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, quy hoạch quốc gia. Hiện chúng ta đã có 111 quy hoạch, thẩm định được 110 quy hoạch. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục duyệt 5 quy hoạch vùng. Nếu thực hiện đồng bộ, lớp lang, có hiệu quả thì đây sẽ là động lực mới cho sự phát triển.

Thủ tướng đánh giá ,quy hoạch mang tính tổng thể nhưng thực hiện quy hoạch mang tính phân kỳ. Do đó, thực hiện quy hoạch phải chọn trọng tâm, trọng điểm để thực hiện dứt điểm, ưu tiêu nguồn lực để thực hiện, không tràn làn, dàn trải. Bên cạnh đó, cần phát huy tinh thần tự lực tự cường, đi lên bằng bàn tay khối óc, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Bên cạnh đó, không trông chờ ỷ lại vào Trung ương...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh này

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ Ninh Thuận xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch; cần huy động các nguồn lực phù hợp để thực hiện quy hoạch; giám sát thực hiện và thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm...

Lợi thế đặc trưng của Ninh Thuận

Tỉnh Ninh Thuận có bờ biển dài 105km, có nhiều lợi thế nổi trội, nằm trong vùng nước trồi độc đáo của Việt Nam, địa hình được bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp.

Trong đó, vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là danh lam thắng cảnh Quốc gia; vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới; khu du lịch Bình Sơn-Ninh Chữ được quy hoạch đưa vào khu du lịch trọng điểm Quốc gia.

Ninh Thuận đặc sắc văn hóa Chăm (ảnh Hải Yến)

Ninh Thuận có đặc sắc văn hóa Chăm với các làng nghề gốm, dệt thổ cẩm cổ nhất Đông Nam Á, trong đó nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào di sản văn hóa phi vật thể của thế giới… tạo cho Ninh Thuận có tiềm năng, thế mạnh riêng có để phát triển kinh tế biển, du lịch, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics.

KỲ NAM - HOÀNG TRIỀU

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bao-nguoi-lao-dong-trao-co-hoc-bong-tai-le-cong-bo-quy-hoach-tinh-ninh-thuan-196240428104826081.htm