Bằng bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1: Ai đúng, ai sai?

Những cuộc tranh luận vẫn chưa dứt về các vấn đề pháp lý và thương mại xung quanh việc sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng của giống thanh long ruột đỏ LD1 của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Hoàng Phát Fruit) và việc công ty này khai thác cũng như thu 'phí' từ bằng bảo hộ giống cây trồng này.

Những ý kiến đồng tình với Hoàng Phát Fruit và Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) vẫn tiếp tục vấp phải luồng đối kháng từ một số công ty nông nghiệp và các nông dân đã gieo trồng LD1 từ lâu. Liệu Hoàng Phát Fruit nên làm gì? Và liệu việc một công ty tư nhân sở hữu quyền đối với giống cây trồng mà được trồng phổ biến rộng rãi bởi người nông dân có phải là một sự hợp tình hợp lý và hợp pháp?

Người dân thu hoạch thanh long tại ĐBSCL. Ảnh: T.L

Người dân thu hoạch thanh long tại ĐBSCL. Ảnh: T.L

Dựa trên các thông tin xoay quanh vụ việc thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LD1) đã được đưa ra trên báo chí, câu hỏi đầu tiên mà nhiều bên băn khoăn đó là: việc Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) chuyển nhượng quyền bảo hộ giống LD1 cho Hoàng Phát Fruit có đúng luật? Và Hoàng Phát Fruit có thể sở hữu quyền bảo hộ giống cây trồng và thu phí bảo hộ từ người trồng giống LD1 với tư cách là công ty tư nhân?

Quyền đối với giống cây trồng và bằng bảo hộ giống cây trồng

Ở đây, năm 2017, SOFRI – đơn vị lai tạo giống thanh long ruột đỏ LD1 và đã được cấp bằng bảo hộ giống vào năm 2016 – đã quyết định nhượng quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 cho tư nhân là Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An).

Theo khoản 1 điều 186 về quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng Luật SHTT 2019 có quy định: 1. Chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ: a. Sản xuất hoặc nhân giống; b. Chế biến nhằm mục đích nhân giống; c. Chào hàng; d. Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác; đ. Xuất khẩu; e. Nhập khẩu; g. Lưu giữ để thực hiện các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này.

Bên cạnh điều 186, hành vi chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được diễn giải như sau: “Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục do pháp luật quy định”. Luật SHTT không nghiêm cấm tác giả sở hữu quyền bảo hộ đối với giống cây trồng nhượng quyền cho pháp nhân (hay chính là các công ty tư nhân).

Vậy hành vi nhượng quyền giống cây trồng thanh long đỏ LD1 của SOFRI, chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng, cho Hoàng Phát Fruit, một công ty tư nhân và là bên nhận nhượng quyền, là hợp pháp. Bởi theo luật, Hoàng Phát Fruit là đối tượng hợp pháp xin nhận chuyển nhượng quyền từ tác giả của bằng bảo hộ giống thanh long đỏ LD1.

Vậy nếu vế đầu của câu hỏi đã được giải quyết, vế sau của câu hỏi thì sao? Công ty Hoàng Phát Fruit khi sở hữu quyền bảo hộ đối với giống thanh long đỏ LD1 có được quyền thu phí bảo hộ từ nông dân hay các công ty nông sản khác xuất khẩu giống LD1 qua thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc?

Việc chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng thu phí các bên sử dụng giống cây trồng là hợp luật và đúng với xu hướng phát triển của luật sở hữu trí tuệ và sự gia tăng về giá trị của các sản phẩm trí tuệ.

Tuy nhiên việc áp dụng thu phí ngay và thiếu đi quy trình tuần tự để giáo dục và thay đổi nhận thức của người dân về trả phí sử dụng giống cây trồng thanh long đỏ LD1 đã tạo ra việc “đúng luật, sai thời điểm” và dấy lên cơn sóng bức xúc lan rộng trong cộng đồng trồng thanh long đỏ LD1.

Đúng luật, sai thời điểm

Hành vi xung quanh nhượng quyền giống cây trồng thanh long đỏ LD1 của SOFRI, chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng, cho Công ty Hoàng Phát Fruit cũng như hành vi thu phí sử dụng giống cây trồng đã được cấp bằng bảo hộ không có gì là bất hợp pháp, nhưng sự giải quyết thiếu tình, sai thời điểm, thiếu quy trình tuần tự đã đẩy SOFRI và Hoàng Phát Fruit vào thế khó, cả ở trên thị trường và cả về mặt truyền thông.

Hoàng Phát Fruit và SOFRI có thể cùng bắt tay cho ra một quy trình thu phí sử dụng giống cây trồng LD1 từ thời điểm hai bên vừa hoàn tất chuyển nhượng năm 2017; bởi ở thời điểm thực hiện chuyển nhượng, việc thu phí sử dụng giống cây trồng LD1 có thể ít nhiều đã được đề cập tới, Hoàng Phát Fruit và SOFRI đều nhận thức được trước thời điểm hai bên giao dịch đã có nhiều nông dân mua giống LD1 với Viện và nhân giống trồng trên diện tích lớn cho ra sản lượng cao, đồng thời Hoàng Phát Fruit và Viện cũng biết tương lai sẽ có nhiều nông dân mới tham gia vào việc xin giống LD1 của Hoàng Phát Fruit để sản xuất thanh long đỏ và hợp tác với Hoàng Phát Fruit để xuất đi thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tức là ở đây, Hoàng Phát Fruit và SOFRI hiểu rằng có hai hoặc nhiều hơn hai đối tượng mà bảng thu phí sử dụng giống cây trồng LD1 sẽ được áp dụng. Việc Hoàng Phát Fruit xây dựng một quy trình thu phí tuần tự để người dân làm quen với việc thu phí cũng như giáo dục để nâng cao nhận thức về bảo hộ giống cây trồng và phí sử dụng những giống cây trồng đã được cấp bằng bảo hộ là điều đầu tiên Hoàng Phát Fruit nên suy xét thực hiện.

Dù vậy trên thực tế, nhiều nông dân và công ty nông sản chỉ biết tới vấn đề thu phí thông qua việc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) thông báo chặn các lô hàng xuất khẩu thanh long đỏ qua Nhật và về việc áp dụng mã số vùng trồng cho thanh long ruột đỏ khi xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản vào tháng 1-2023 vừa qua; và để có mã số vùng trồng thì phải chứng minh giống đang trồng là LD1.

Việc chứng minh để lấy mã số vùng trồng này phải do bên sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng thanh long đỏ LD1 thực hiện. Tức là nếu không được Hoàng Phát Fruit cho phép khai thác quyền đối với giống thanh long đỏ LD1, nhiều bên không thể lấy được mã số vùng trồng, và vì vậy không thể xuất khẩu.

Việc nông dân cũng như các bên kinh doanh nông sản chỉ phát hiện ra việc nộp phí sử dụng giống cây trồng LD1 để có được sự kiểm tra, chứng nhận và từ đó có được mã số vùng từ Hoàng Phát Fruit là một sự kiện thiệt hại có tính bất ngờ. Và theo logic thông thường, những bên chịu thiệt hại bởi sự kiện bất ngờ này sẽ không còn cái nhìn thiện chí hay tư tưởng hợp tác và trả phí đối với giống cây trồng đã được bảo hộ của Hoàng Phát Fruit.

Việc Hoàng Phát Fruit lên tiếng và chủ yếu nói về việc thu phí quyền sử dụng giống cây trồng thanh long đỏ sau vụ việc nhiều đơn hàng xuất khẩu thanh long đỏ bị giữ lại và thậm chí là bị bán tháo ra chợ được cho là sai thời điểm.

Đại diện của Hoàng Phát Fruit phát biểu rằng: “Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit được thu tiền bản quyền và yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các quy định nhập khẩu của thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc (đúng giống, bảo đảm chất lượng quả, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật). Đây là quyền lợi và trách nhiệm giữa hai bên nên SOFRI không can thiệp vào việc này. Còn đối với thị trường nội địa và các thị trường khác như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Ấn Độ… thì các doanh nghiệp khác vẫn buôn bán bình thường như trước đây và Hoàng Phát Fruit không thu phí bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1”.

Người Mỹ có câu “Say the right thing at the right time” (nói điều đúng đắn đúng thời điểm). Hoàng Phát Fruit nên chia sẻ sự quan tâm tới những khó khăn nông dân và doanh nghiệp nông sản gặp phải khi thiếu thông tin về quy chuẩn của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là quy chuẩn về giống giống cây trồng và bảo hộ giống cây trồng. Từ đó, Hoàng Phát Fruit đưa ra được giải pháp hỗ trợ bởi công ty đang giữ sự độc quyền bảo hộ đối với giống thanh long đỏ.

Vụ việc này đã gây ra một số thiệt hại có thể đo lường cho người dân trồng và bán thanh long đỏ cũng như các doanh nghiệp nông sản khác. Câu hỏi được đặt ra là: với mức thiệt hại đã xảy ra, liệu cơ quan nhà nước quản lý giống cây trồng có nên cưỡng chế Hoàng Phát Fruit chia sẻ quyền đối với giống thanh long đỏ miễn phí cho người dân?

Luật có quy định gì về sự cưỡng chế này?

Nghị định 88/2010/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng có quy định về các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng như sau:

“Điều 29. Các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội: 1. Các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 195 của Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm: khắc phục các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, ô nhiễm môi trường trên diện rộng. 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo công khai nhu cầu về giống, tên giống cây trồng, mục đích, lượng giống cần sử dụng, phạm vi, thời gian đáp ứng mục đích chuyển giao và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký”.

Dù sự việc thanh long đỏ nóng bỏng trên nhiều mặt báo thì giả thuyết về việc cưỡng chế Hoàng Phát Fruit chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng cho nông dân là bất khả thi bởi yêu cầu cưỡng chế chuyển giao không phù hợp với trường hợp nào như luật quy định theo điều 29.

Nếu giống cây trồng mà Hoàng Phát Fruit sở hữu quyền là một dạng rong biển hay tảo có khả năng thấm hút dầu hay chất thải hóa học dạng nước thì việc công ty giao quyền sử dụng giống tảo này cho nhà nước sử dụng trong các tình huống tràn dầu trên biển hay chất thải tràn ra sông suối là có cơ sở để thi hành.

Hoàng Phát Fruit nên làm gì?

Ở góc độ pháp lý về thu phí sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ, Hoàng Phát Fruit nên làm gì?

Áp một mức phí sàn cho một số lượng không dao động và trong khoảng thời gian sản xuất lâu dài không hẳn là khôn ngoan. Có nghĩa là chỉ có một bảng phí ít dao động và không phân loại dựa trên hình thái khách hàng thì không hẳn là khôn ngoan.

Hoàng Phát Fruit nên có nhiều hơn một bảng phí và số phí được phân loại theo thời gian hợp tác, số lượng sản phẩm, hình thái khách hàng (nông dân cá nhân hay hợp tác xã hay công ty kinh doanh mặt hàng nông sản), số phí cũng áp dụng theo quy trình tiếp cận từ từ để nông dân có thể quen với hình thái phải nộp phí sử dụng giống cây trồng được bảo hộ.

Hoàng Phát Fruit cũng như các công ty có xu hướng kinh doanh bằng bảo hộ giống cây trồng trong tương lai cần lưu ý tiến hành việc này không chỉ hợp pháp mà còn hợp tình hợp lý, đúng thời điểm.

(*) Văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, Manhattan, New York, Mỹ.

Nguyễn Ngọc Trâm(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bang-bao-ho-giong-thanh-long-ruot-do-ld1-ai-dung-ai-sai/