Bản tin 20/5: 'Rước bệnh' vì thói quen tự ý truyền đạm tại nhà

'Rước bệnh' vì thói quen tự ý truyền đạm tại nhà; Trên 5.800 thí sinh thi bù đánh giá tư duy Bách khoa Hà Nội sau sự cố kĩ thuật...

Trên 5.800 thí sinh thi bù đánh giá tư duy Bách khoa Hà Nội sau sự cố kĩ thuật

Những thí sinh thi bù đánh giá tư duy Bách khoa Hà Nội sau sự cố kĩ thuật. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Những thí sinh thi bù đánh giá tư duy Bách khoa Hà Nội sau sự cố kĩ thuật. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Theo Tiền Phong những thí sinh dự thi ca chiều ngày 28/4 trong kì thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội bị dừng thi do sự cố kĩ thuật được bố trí thi lại vào sáng ngày 19/5.

PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết ca thi sáng được tổ chức tại 25 điểm thi với 5858 thí sinh dự thi, vắng 345 thí sinh.

Đợt thi đã diễn ra thành công tốt đẹp. Một số thí sinh không đọc kỹ giấy báo dự thi nên đã đến nhầm phòng dự, điểm thi. Tuy nhiên các bạn vẫn di chuyển kịp vì địa điểm thi gần nhau. Một số máy tính thi bị lỗi cũng đã được cán bộ kỹ thuật đổi máy cho các em nhanh chóng, thuận tiện.

Trước đó, ca thi buổi chiều kì thi đánh giá tư duy năm 2024 ngày 28/4 với sự tham gia của gần 7.000 thí sinh đã bị dừng do sự cố kĩ thuật.

Sau sự cố, Hội đồng thi Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo tổ chức thi bù cho các em đã không thể hoàn thành bài thi trong kíp thi chiều ngày 28/4 vào ngày Chủ Nhật, 19/5.

Thí sinh không thể hoàn thành bài thi trong kíp thi chiều ngày 28/4 sẽ được ưu tiên đăng ký dự thi miễn phí trong đợt 5 hoặc đợt 6 diễn ra vào các ngày 8-9/6 và 15-16.

Thí sinh không thể bố trí được thời gian tham dự thi bù vào ngày 19/5, Hội đồng thi sẽ hoàn trả lại phần lệ phí dự thi mà các em đã đóng cho kíp thi chiều ngày 28/4.

Đại học Bách khoa Hà Nội gửi lời xin lỗi tới thí sinh, phụ huynh, và mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ phía các em và gia đình cho sự cố kỹ thuật này.

Rước bệnh vì thói quen tự ý truyền đạm tại nhà

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo báo Hà Nội Mới mặc dù đã có cảnh báo về các ca bệnh nhân tử vong do tự ý truyền dịch tại nhà, nhưng nhiều người vẫn có suy nghĩ có thể tự truyền đạm khi cơ thể mệt mỏi hoặc truyền "đạm hoa quả" (các dung dịch vitamin) để đẹp da, tăng cường sức khỏe. Không ít người còn có quan niệm sai lầm rằng truyền dịch không hại cho sức khỏe, ai cũng có thể truyền được.

Thời gian qau có nhiều người thường có suy nghĩ, cứ mệt, sốt thì truyền dịch sẽ giúp mình nhanh khỏe hơn. Từ đó, truyền dịch trở thành phương pháp chữa bệnh rẻ, nhanh, dễ thực hiện bởi có thể tự ý thực hiện ngay ở nhà thông qua các hướng dẫn trên... internet, hoặc nhờ các y tá, điều dưỡng nhận tiêm truyền tại nhà, đến các phòng khám tư nhân gần nhà mà không cần khám, chữa bệnh hay thực hiện các xét nghiệm tại bệnh viện.

Truyền dịch là truyền dung dịch chứa chất có lợi và thuốc vào tĩnh mạch cơ thể bệnh nhân. Đây là quy trình kỹ thuật điều dưỡng thường sử dụng trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể truyền và đặc biệt là không được lạm dụng.

Kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng chỉ định thì dễ xảy ra những tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn và trực tiếp với tốc độ nhanh nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù...

Dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không "chịu" như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm. Một số bệnh viện đã ghi nhận các bệnh nhân sốc phản vệ tử vong do tự ý truyền dịch tại nhà, tại các phòng khám tư nhân... Khi tự ý truyền dịch tại nhà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh như viêm gan B, viêm gan C, HIV/AIDS... nếu kỹ thuật truyền không đúng, không đảm bảo vô trùng. Nhiễm trùng máu cũng là một tai biến nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong, nếu không được điều trị kịp thời.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chia sẻ: “Việc tự ý truyền đạm tại nhà là thói quen rất nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng”.

Đơn vị này từng tiếp nhận điều trị một bệnh nhân 34 tuổi thường xuyên có thói quen tự ý truyền "đạm hoa quả" tại nhà, hễ ngày nào cảm thấy mệt mỏi là truyền hết một chai "đạm hoa quả". Mỗi lần truyền xong bệnh nhân cảm thấy tỉnh táo nên càng lạm dụng việc truyền dịch. Sau đó, bệnh nhân này xuất hiện đau ngực trái kèm khó thở, đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám thì có chẩn đoán sốc phản vệ, kèm các biến chứng viêm cơ tim và suy tim. Bệnh nhân cho biết, cơn đau đã diễn biến được khoảng 10 ngày, đau liên tục và tăng lên khi đi lại, vận động. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện các đánh giá cận lâm sàng cần thiết. Trong đó, kết quả chụp MRI tim cho thấy những vấn đề nghiêm trọng bao gồm hình ảnh giảm tưới máu cơ tim và xơ hóa rải rác nhiều ổ vùng vách liên thất và thành dưới thất trái; giảm vận động và sức căng cơ tim nhiều vùng thất trái; chức năng tâm thu thất trái còn bảo tồn (chỉ số chức năng bơm máu của tim còn 52%).

Điều đáng nói, trong quá trình thăm khám và hỏi bệnh, bệnh nhân cũng cho biết từng cấp cứu sốc phản vệ do tự ý truyền đạm tại nhà. Bệnh nhân được kết luận suy tim EF bảo tồn do viêm cơ tim sau sốc phản vệ. Ngay lập tức, các chuyên gia tiến hành hội chẩn ca bệnh, tư vấn hướng điều trị và theo dõi phù hợp cho bệnh nhân.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh khuyến cáo, việc tiêm, truyền các loại dịch, trong đó có đạm vào cơ thể nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ tính toán kỹ lưỡng lượng truyền bao nhiêu, thời gian chảy giọt truyền thích hợp. Việc tự ý truyền dịch mà không có ý kiến của bác sĩ, hoặc truyền sai cách sẽ có nguy cơ xảy ra tai biến rất cao như đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, dị ứng gây khó thở, đau ngực, sốc phản vệ, tử vong.

Sốc phản vệ là tình trạng y khoa vô cùng nghiêm trọng, có thể gây ra tình trạng tắc đường thở, khiến người bệnh không thở được. Đây cũng là yếu tố khiến tim có thể ngừng đập do huyết áp giảm khiến tim không nhận đủ oxy. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh cho biết, các nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm đã chỉ ra rằng các chất trung gian gây viêm trong phản vệ có thể gây ra tổn thương động mạch vành và cơ tim, đồng thời gây ra hàng loạt các hệ lụy cho sức khỏe tim mạch như sốc tim (tim không bơm đủ máu cho cơ thể); loạn nhịp tim (nhịp tim quá nhanh, hoặc quá chậm); nhồi máu cơ tim; viêm cơ tim; suy tim; trụy tim.

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Huỳnh Thị Thanh Thủy đăng ký hiến tạng

Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy và Đỗ Mỹ Linh.

Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy và Đỗ Mỹ Linh.

Theo báo Giao Thông sáng 19/5, Hoa hậu Việt Nam 2022 Huỳnh Thị Thanh Thủy cùng Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh tham dự lễ phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" diễn ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Chương trình do Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện nhằm truyền tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người.

Chương trình có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam cùng nhiều đại biểu khác.

Cả hai hoa hậu xuất hiện trong trang phục áo dài truyền thống với vai trò Đại sứ thiện chí. Đương kim Hoa hậu Việt Nam Thanh Thủy chia sẻ: “Tôi vinh hạnh khi được tham dự một sự kiện đầy ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng hành cùng chương trình, tôi mong muốn đóng góp và lan tỏa về ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tặng mô tạng. Một người chết não hiến đa tạng có thể cứu được rất nhiều người. Hãy chung tay vì những bệnh nhân đang cần được giúp đỡ”.

Huỳnh Thị Thanh Thủy sinh năm 2002, đến từ Đà Nẵng, cô đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam năm 2022. Trong gần 2 năm đương nhiệm, Thanh Thủy tích cực tham gia các hoạt động nghệ thuật cũng như các hoạt động vì cộng đồng, cô tham gia vào nhiều dự án nhằm giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Theo như thông tin đã công bố, cô sẽ đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2024 tại Nhật Bản vào tháng 11 năm nay.

Trước đó, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cũng đã đăng ký hiến tạng tại tại Bệnh viện Chợ Rẫy Tp.HCM vào năm 2019, khi đồng hành cùng các thí sinh của cuộc thi Miss World Vietnam 2019 trong dự án nhân ái “Cho đi là còn mãi”. Sau khi đạt danh hiệu Hoa hậu Nhân ái Thế giới 2017 tại cuộc thi Miss World 2017, Đỗ Mỹ Linh vẫn không ngừng tham gia vào các hoạt động nhân ái, tích cực đóng góp vì cộng đồng.

“Dù đã đăng ký hiến tạng từ trước nhưng tôi vẫn hào hứng khi được tham dự Lễ phát động Đăng ký hiến mô tạng lần này, góp phần truyền tải thông điệp ý nghĩa của chương trình. Đặc biệt, với sự tham gia của quý lãnh đạo cấp cao, các đại biểu với sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Hy vọng rằng phong trào hiến tạng cứu người trở nên mạnh mẽ hơn, nhiều đơn đăng ký được gửi về và sẽ có thêm nhiều ca ghép tạng thành công hơn nữa", hoa hậu Đỗ Mỹ Linh bày tỏ.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-205-ruoc-benh-vi-thoi-quen-tu-y-truyen-dam-tai-nha-a664318.html