Băn khoăn tính xác thực

Rất nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi xung quanh kết quả kiểm tra, rà soát giá vé máy bay vừa được Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) công bố.

Ảnh minh họa

Trong khi Cục này cho rằng giá vé máy bay vẫn “đúng quy định”, Bộ Tài chính lại khẳng định giá vé máy bay cao không phải do thuế, phí, vậy nguyên nhân do đâu?

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua thống kê cho thấy số lượng hành khách đến, đi các sân bay lớn như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài sụt giảm đáng kể; trước đó lượng khách bay nội địa cũng đã giảm dần. Nguyên nhân mà đa phần người dân được hỏi đưa ra là do giá vé máy bay quá cao. Không ít người buộc phải từ bỏ các chuyến đi bằng đường hàng không để chọn một phương án khác phù hợp hơn với túi tiền hơn như ô tô hoặc tàu hỏa.

Giá vé bay đi nhiều nước trong khu vực thậm chí còn rẻ hơn bay nội địa còn khiến các tour du lịch trong nước thiệt hại lớn do hành khách lựa chọn đi chơi ở ngoại quốc cho… rẻ.

Ngay khi dư luận sôi sục vì giá vé máy bay tăng cao, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không vào cuộc kiểm tra, rà soát, đồng thời thông tin rộng rãi để Nhân dân biết. Trước cuộc kiểm tra, dư luận chia thành hai phe. Một bên cho rằng các hãng bay sẽ phải chịu trách nhiệm trước việc tăng giá bất hợp lý. Nhưng một bên cho rằng kết quả kiểm tra sẽ khẳng định các hãng bay “đúng quy trình, quy định”.

Và thực tế cho thấy, kết luận của Cục Hàng không đã khiến cả hai phe dư luận thất vọng ít nhiều. Bản báo cáo kết luận với rất nhiều con số phức tạp khiến đa số khó lòng hình dung nổi vì sao họ phải mua vé máy bay đi trong nước còn đắt hơn cả đi Thái Lan?

Trong khi đó Bộ Tài chính đăng đàn khẳng định giá vé máy bay cao không phải do thuế phí. Nếu vé máy bay không cao vì sao phải có sự lý giải đó (?). Và nếu không phải do thuế phí, các hãng bay làm đúng quy định thì vì sao giá vé máy bay lại khiến hành khách “xót ruột” phải bỏ đi tìm lựa chọn khác?.

Mặt khác, trong khi Việt Nam nỗ lực thu hút khách quốc tế, thì vì sao, giá vé máy bay không có sự ưu ái cho khách nội địa? Các chuyến bay quốc tế đến Thái Lan, Trung Quốc thậm chí còn rẻ hơn trong nước liệu có đẩy khách nội địa ra nước ngoài?

Về cơ cấu giá vé, người dân cũng đặt ra thắc mắc, tại sao giá vé quốc tế lại rẻ hơn giá vé máy bay trong nước? Phải chăng có những loại thuế phí mà chỉ vé máy bay nội địa mới phải chịu? Hay có cách nào mà giá vé quốc tế bình ổn trong khi giá vé nội địa rất bấp bênh, cứ cao điểm là đắt?

Hàng loạt những câu hỏi lớn đó vẫn chưa được giải đáp một cách rõ ràng sau cuộc kiểm tra rầm rộ của Cục Hàng không Việt Nam. Hệ lụy với người dân, với ngành du lịch vẫn còn đó. Ngay chính các hãng bay cũng đã phần nào phải trả giá cho sự đắt đỏ bất thường của mình.

Bên cạnh những bức xúc ngày càng tăng về giá vé máy bay, giờ người dân còn đặt thêm câu hỏi: liệu cuộc kiểm tra của Cục Hàng không có minh bạch, hiệu quả, hay đã bị tác động ngay từ trước khi nó bắt đầu để rồi trở thành một “bùa phép” trấn an dư luận, tháo gỡ áp lực cho các hãng hàng không (?).

Tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: "Thời gian qua, giá vé máy bay tăng cao nhưng chưa kịch trần. Vậy còn tăng nữa không và ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế, đặc biệt là du lịch?".

Đông đảo người dân vẫn mong chờ Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Với tư cách là một đơn vị độc lập ngoài ngành, Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ được những vấn đề dù thấy rõ trước mắt nhưng lại không lý giải được, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân và cả ngành du lịch trong nước.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ban-khoantinh-xac-thuc.html