Bám sát phương châm '4 tại chỗ' để phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Căn cứ Phụ lục I, II, III, IV, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, toàn tỉnh có 7.868 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC); 616 cơ sở thuộc diện nguy hiểm về cháy, nổ; 1.907 cơ sở do cơ quan Công an quản lý và 5.961 cơ sở do UBND cấp xã quản lý. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, số lượng cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC tăng thêm 1.431 đơn vị so với năm 2023, đây là những thách thức lớn trong công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ (CNCH).'Cần tăng cường, củng cố, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình 'Tổ liên gia PCCC' và 'Điểm chữa cháy công cộng', đây là lực lượng tại chỗ quan trọng tham gia chữa cháy trong thời điểm '5 phút vàng' kể từ khi đám cháy xảy ra. Các cơ quan chức năng hướng dẫn 100% nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ hai tầng trở lên có lối thoát hiểm thứ hai; bảo đảm 100% hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một người được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC, CNCH', Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản hơn 6 tỷ đồng và không có thiệt hại về người. Cơ sở xảy ra cháy chủ yếu là nhà dân, phương tiện giao thông cơ giới, tàu cá và rừng.

Trong phong trào toàn dân tham gia PCCC, CNCH, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh, chú trọng đến các kỹ năng PCCC, kỹ năng thoát hiểm, sử dụng phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu, bảo đảm an toàn PCCC đến tận các hộ gia đình, khu dân cư.

Năm 2023, lực lượng Công an phối hợp với các đơn vị viễn thông gửi 2.141.473 tin nhắn SMS với nội dung khuyến cáo người dân về bảo đảm an toàn PCCC, CNCH; phòng, chống tai nạn đuối nước; tuyên truyền phòng, chống cháy, nổ qua zalo, facebook 61.989 lượt, qua hệ thống truyền thanh 5.520 lượt.

Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng tài liệu tập huấn nghiệp vụ PCCC, CNCH; phát hành 81.184 tờ rơi tuyên truyền; tổ chức 224 cuộc tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, CNCH cho 11.320 lượt người. Khối trường học tuyên truyền trực tuyến 9 cuộc cho trên 3.000 lượt giáo viên, học sinh.

Lực lượng thuộc “Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy” tham gia thực hành kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh 39.682 lượt; tuyên truyền lồng ghép vào hội nghị, sinh hoạt chi bộ tổ dân phố, đoàn thể chính trị, xã hội tại khu dân cư 3.343 lượt; mở 131 lớp tuyên truyền, tập huấn về PCCC, CNCH thu hút 23.599 lượt người tham gia; hướng dẫn 3.688 cơ sở treo băng rôn, khẩu hiệu về PCCC, CNCH.

Bám sát phương châm “4 tại chỗ”, phong trào toàn dân tham gia PCCC, CNCH tiếp tục củng cố, nhân rộng với hai mô hình tiêu biểu là “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 1.133 đội dân phòng với hơn 12.000 đội viên làm nòng cốt PCCC, CNCH; có 1.907 đội PCCC cơ sở với 18.630 đội viên; xây dựng thành công 177 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 137 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” tại khu dân cư.

Công tác tập huấn nghiệp vụ PCCC, CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, lực lượng dân phòng thường xuyên chú trọng. Trên cơ sở khung tài liệu huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH của Bộ Công an, Công an tỉnh chỉ đạo xây dựng, củng cố, hoàn thiện các bộ tài liệu phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương. Năm 2023, mở 169 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 9.703 lượt lực lượng nòng cốt PCCC, CNCH.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh hiện tại có 27 xe chữa cháy, CNCH và xe chuyên dụng các loại; 4 xuồng máy CNCH; 11 máy bơm chữa cháy, cơ bản bảo đảm công tác ứng phó mỗi khi phát sinh tình huống cháy, nổ.

Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng PCCC, CNCH hiện nay còn thiếu về biên chế và trang thiết bị, phương tiện. Toàn tỉnh mới thành lập được 4 đội chữa cháy, CNCH (phụ trách 8 huyện, thị xã, thành phố). Các đội chữa cháy, CNCH phụ trách khu vực rộng, thời gian cơ động đến đám cháy kéo dài làm giảm hiệu quả công tác chữa cháy. Trụ sở làm việc các đội chữa cháy xuống cấp, chưa tách biệt. Đội chữa cháy, CNCH Tuyên Minh đóng quân chung với Công an thị trấn Quy Đạt; Đội chữa cháy, CNCH khu vực phía Nam chung với Công an thị trấn Kiến Giang ảnh hưởng đến công tác thường trực chiến đấu và đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Phương tiện chữa cháy, CNCH của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh qua thời gian sử dụng dài nên gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu chữa cháy, CNCH, nhất là đối với các vụ cháy nhà cao tầng, cháy khu công nghiệp, cháy rừng diện rộng...

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng lực lượng PCCC, CNCH chuyên nghiệp vẫn bảo đảm thường trực quân số, phương tiện 24/24 giờ, chủ động, kịp thời ứng cứu khi cháy, nổ xảy ra.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh Đoàn Ngọc Lâm, thời tiết, khí hậu mùa hè năm 2024 được đánh giá là khắc nghiệt và bất thường. Mới đầu mùa khô, đã xuất hiện nhiều vụ cháy rừng và hàng loạt vụ đuối nước thương tâm. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong việc thực hiện công tác PCCC, CNCH nhằm kiềm chế các vụ cháy, nổ; mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất số vụ, số người chết và tài sản do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Để tăng cường hiệu quả công tác PCCC, CNCH, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm chỉ đạo: Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải xác định công tác PCCC, CNCH là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần huy động tối đa các lực lượng và toàn dân tham gia với phương châm “Lực lượng tại chỗ, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân và chỉ huy ở trong dân”. Phòng, chống cháy, nổ, CNCH lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng làm “cơ bản, chiến lược, lâu dài”; thực hiện tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy theo phương châm “Từng nhà an toàn; từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn; từng khu phố an toàn; từng xã, phường, thị trấn an toàn”.

Cùng đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành, thực hiện tốt các quy định pháp luật về PCCC, CNCH.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/quoc-phong-an-ninh/202405/bam-sat-phuong-cham-4-tai-cho-de-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-2217979/