Bài tham dự cuộc thi 'Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào'Nhớ một lần gặp Bác

Cho tới bây giờ, tôi luôn tự hào rằng mình đã may mắn được gặp Bác, được nghe những lời Người dạy bảo ân cần và gắng làm theo Bác.

Năm 1963, sau khi tốt nghiệp khoa Trang trí vải lụa, Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp), tôi được phân công về Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, làm ở Phân xưởng Phích nước. Công việc của tôi là vẽ thiết kế mẫu trang trí trên vỏ phích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông năm 1964. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông năm 1964. Ảnh: Tư liệu

Tôi nhớ hôm ấy là ngày 28-4-1964. Tôi đang hoàn chỉnh cho xong một mẫu mới, bỗng thoáng thấy có tiếng ai đó nói: “Bác Hồ đến! Bác Hồ đến!”. Tôi liền buông bút vẽ, chạy vội ra phía cổng nhà máy. Đúng Bác đến thật rồi! Bác mặc bộ quần áo nâu, chân đi dép cao su, nước da hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn. Bác giơ tay vẫy chào mọi người. Tất cả đồng thanh hô vang: “Bác Hồ muôn năm!”.

Trước tiên, Bác đi thăm khu vệ sinh của nhà máy. Kế đó, Bác ghé qua nhà ăn tập thể, nơi chị em cấp dưỡng đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho công nhân. Đến khu vực nấu nướng, trông thấy có nhiều ruồi, Bác nhẹ nhàng phê bình, nhắc lãnh đạo nhà máy cần quan tâm, chăm lo chu đáo đến bữa ăn của công nhân, làm sao để bữa ăn vừa ngon lại vừa an toàn vệ sinh.

Từ nhà ăn đi ra có một đoạn đường lầy lội, cán bộ bảo vệ Bác muốn đưa Người vòng theo lối khác nhưng Bác xua tay: “Các chú cứ yên tâm, Bác đi được”. Mọi người nhìn nhau và càng thấm thía với tác phong bình dị của Bác.

Vào thăm nhà trẻ, Bác rất vui khi nhìn thấy các cháu bé. Bác hỏi chuyện và ân cần chia kẹo cho từng cháu. Người không quên dành phần kẹo cho các cô nuôi dạy trẻ. Cử chỉ đó của Bác khiến mọi người vô cùng cảm động. Bác căn dặn cô giáo và Ban giám đốc nhà máy phải hết sức chăm lo đến sức khỏe của các cháu và giữ gìn vệ sinh, vì Người thấy sân chơi của các cháu chưa được sạch lắm.

Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tổ chức tọa đàm "Khát vọng Rạng Đông: 60 năm hành trình theo chân Bác". Ảnh: Linh Nguyễn

Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tổ chức tọa đàm "Khát vọng Rạng Đông: 60 năm hành trình theo chân Bác". Ảnh: Linh Nguyễn

Sau khi đi thăm một số phân xưởng sản xuất của nhà máy như: Bóng đèn, Phích nước, Thủy tinh, Cơ khí - Đột dập..., Bác nói chuyện với cán bộ, công nhân viên. Người căn dặn: “Phải tổ chức thật tốt bộ máy quản lý và đội ngũ những người làm công tác khoa học kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động, chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, thực hành tiết kiệm, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Đó là ý thức giai cấp, là lương tâm và trách nhiệm của các cô, các chú”.

Trước lúc ra về Người nói thêm: “Bác mong các cô, các chú cố gắng làm tốt, Bác sẽ về thăm nữa. Các cô, các chú có muốn Bác về thăm không?”. “Có ạ” - mọi người đồng thanh đáp lại lời Bác.

Thực hiện lời dạy của Bác, các thế hệ cán bộ công nhân viên nhà máy đã ra sức phấn đấu. Từ một đơn vị yếu kém nằm bên bờ vực phá sản, nhà máy đã vượt qua nhiều thách thức và không ngừng phát triển. Năm 1994, nhà máy đổi tên thành Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Với những thành tích đạt được, ngày 28-4-2000, công ty đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Năm 2004, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chuyển đổi mô hình sản xuất thành công ty cổ phần. Từ năm 2006, công ty trở thành một trong những doanh nghiệp khoa học, công nghệ điển hình, tiêu biểu trong thực hiện đổi mới sáng tạo của đất nước. Ngày 28-4 đã trở thành ngày truyền thống của công ty và hằng năm cứ đến ngày này, cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông lại tề tựu, tập trung trước tượng Bác được dựng tại nơi Người nói chuyện khi về thăm, để báo công với Bác.

Bản thân tôi, vào năm 1967 khi bom Mỹ rơi trúng phân xưởng Phích nước dẫn đến không sản xuất được nữa, phải chuyển công tác về Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I, phụ trách mảng Văn hóa quần chúng, vẽ pa nô, áp phích cổ vũ phong trào sản xuất, chiến đấu. Năm 1972, Mỹ đánh phá ác liệt Hà Nội, dù có con nhỏ nhưng tôi vẫn bám trụ ở lại, phụ trách Đội tuyên truyền xung kích, vào đội tự vệ của xí nghiệp.

Rồi Việt Nam toàn thắng, đất nước thống nhất, tôi học tiếp khóa tại chức Đại học Mỹ thuật từ năm 1979 đến năm 1984, tốt nghiệp loại Khá. Tôi đã 3 lần tổ chức triển lãm tranh cá nhân (1998, 2005, 2009) và 3 lần triển lãm tranh đôi (1994, 1997, 2000). Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua của tôi 3 bức tranh lụa để trưng bày và tôi có một số tranh gửi bày ở các nước như Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ), Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội từ ngày đầu thành lập; năm 1987 là hội viên Hội Mỹ thuật Trung ương và năm 1988 là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Cho tới bây giờ, tôi luôn tự hào rằng mình đã may mắn được gặp Bác, được nghe những lời dạy bảo ân cần của Người và nỗ lực làm theo lời Bác nên đã đạt được một số kết quả nhất định trong thời gian còn công tác.

Một ngày đẹp trời cuối tháng 3 vừa qua, tôi trở lại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, để thăm nơi từng in dấu chân của Bác khi Người về thăm. Lòng tôi trào dâng những cảm xúc khó tả, như được sống lại với những ký ức năm xưa. Dù thời gian đã 60 năm trôi qua nhưng hình ảnh và những lời dạy bảo ân cần của Bác vẫn hiển hiện sâu đậm trong tôi.

---

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-nho-mot-lan-gap-bac-666587.html