Bài 2: Cần quyết tâm cao hơn để hoàn thành mục tiêu

Cùng một cơ chế chính sách, trong khi nhiều địa phương tích cực thu hút đầu tư, triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội thì một số địa phương khác dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng thực hiện còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án 'Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030' (Đề án). Thậm chí, một số địa phương không khởi công được dự án nhà ở xã hội nào trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

(Ảnh minh họa: Một dự án nhà ở xã hội ở Đồng Nai)

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay có 13 dự án nhà ở xã hội (NƠXH), trong đó có năm dự án đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, cung cấp hơn 1.600 căn nhà cho công nhân và người thu nhập thấp; năm dự án chậm tiến độ và ba dự án dừng hoạt động. Điều đáng nói là, từ năm 2021, Vĩnh Phúc không triển khai thêm được dự án NƠXH nào. Long An cũng là địa phương có kết quả phát triển NƠXH thấp. Giám đốc Sở Xây dựng Long An Nguyễn Văn Hùng cho biết, giai đoạn 2021-2030, Long An được giao chỉ tiêu hoàn thành 71.250 căn hộ NƠXH, trong đó đến năm 2025 phải hoàn thành 22.500 căn. Sau hai năm, mới có một dự án của Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đức (Đức Hòa) làm chủ đầu tư, đang triển khai thi công chung cư công nhân Tân Đức Plaza trên diện tích 6.417 m2; với khoảng 460 căn, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do các dự án phải điều chỉnh quy hoạch và khó giải phóng mặt bằng. Để tháo gỡ, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc đã hướng dẫn nhà đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư làm cơ sở để thực hiện dự án, hoàn thành các nghĩa vụ về đất đai và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giao các đơn vị liên quan tháo gỡ vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng của các dự án. Song do nguồn gốc đất phức tạp, các cơ quan nhà nước chưa quyết liệt, dẫn đến tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Sau khi rà soát, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc đã thông báo về việc chấm dứt hoạt động đối với dự án Khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH In điện tử Minh Đức, dự án Khu NƠXH tại thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên và dự án Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại phường Đồng Xuân, thành phố Phúc Yên.

Các dự án NƠXH trên địa bàn tỉnh Long An chưa được khởi công xây dựng, theo đại diện Sở Xây dựng, là do trình tự thủ tục đầu tư mua, bán NƠXH còn phức tạp, mất nhiều thời gian, làm giảm quyết tâm của các nhà đầu tư. Mặt khác, quy định lợi nhuận định mức cho NƠXH không quá 10% tổng vốn đầu tư xây dựng thiếu hấp dẫn. Cùng với đó, tình trạng thiếu vốn, chưa có chính sách tạo quỹ đất sạch để phát triển NƠXH và hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật,… cũng làm chậm tiến độ các dự án.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc đầu tư xây dựng NƠXH trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án. Từ năm 2021 đến nay, thành phố mới triển khai ba dự án NƠXH với 1.700 căn hộ, đáp ứng 9% nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu khiến việc thực hiện Đề án của các địa phương còn hạn chế là do chưa quyết tâm, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng các cấp chính quyền chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện. Các địa phương cũng chưa quyết tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án NƠXH theo thẩm quyền; việc cải cách thủ tục hành chính, ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển NƠXH còn hạn chế.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết: Theo chỉ tiêu trong Đề án, tỉnh Vĩnh Phúc cần hoàn thành 28.300 căn NƠXH. Riêng trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh phải hoàn thành 8.800 căn và 5 năm tiếp theo phải hoàn thành 19.500 căn. Để hoàn thành, tỉnh đã chấp thuận chủ trương bố trí 22 vị trí dự kiến đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân, NƠXH và rà soát, bổ sung sáu vị trí khác. Như vậy, Vĩnh Phúc sẽ có 28 vị trí xây dựng nhà ở công nhân, NƠXH với tổng diện tích gần 220 ha. Những vị trí này đã được đưa vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Long An, để hoàn thành chỉ tiêu 71.250 căn hộ NƠXH đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ngành, địa phương cùng phối hợp, khẩn trương triển khai. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển NƠXH. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo đối với các chủ đầu tư dự án có quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để khởi công ngay trong tháng 6/2024. Chủ đầu tư nào chưa triển khai sẽ bị xem xét thu hồi quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư khác thực hiện.

Thực tiễn triển khai phát triển NƠXH cho thấy, ở địa phương mà cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển NƠXH, có các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời các chính sách trong điều kiện địa phương, cán bộ dám nghĩ, dám làm, không đùn đẩy, né tránh như thành phố Hải Phòng, các tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên…, thì kết quả đạt được rất tốt.

Các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng…; tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tài chính, kinh nghiệm, triển khai công khai, minh bạch; đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng NƠXH trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện phải thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-2-can-quyet-tam-cao-hon-de-hoan-thanh-muc-tieu-post807170.html