Bác Hồ trong tranh của họa sỹ Việt kiều

Sáng 17/5/2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm mang tên 'Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ'. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Thái Việt tại tỉnh NakhonPhanom, Thái Lan tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024).

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh phát biểu tại triển lãm.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh phát biểu tại triển lãm.

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Người luôn là tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hình ảnh của Người luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, dù trong nước hay đang sinh sống ở nước ngoài, và trong trái tim bạn bè quốc tế. Các tác phẩm của họa sỹ Đào Trọng Lý đã thể hiện sâu sắc tình cảm kính yêu của ông đối với Bác Hồ - vị lãnh tụ kiệt xuất, nhưng rất giản dị trong cuộc sống đời thường và chan hòa tình yêu thương với nhân dân”.

Triển lãm giới thiệu 55 bức tranh do họa sỹ Việt kiều Đào Trọng Lý sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tranh của ông, nhiều giai đoạn, sự kiện trong cuộc đời của Bác được tái hiện lại sinh động, từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước hay đến những dấu mốc quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Họa sĩ Đào Trọng Lý nhìn ngắm những bức tranh của mình về Bác Hồ.

Họa sĩ Đào Trọng Lý nhìn ngắm những bức tranh của mình về Bác Hồ.

Xuất phát từ tấm lòng ngưỡng mộ và tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, với quê hương, đất nước, năm 2018 khi quản lý Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh NakhonPhanom, họa sĩ Đào Trọng Lý bắt đầu vẽ Bác theo tâm thức của mình và dựa một phần vào những tư liệu, hình ảnh tìm kiếm được.

Bối cảnh trong những bức tranh khi thì trang trọng như cuộc gặp mặt của Bác với các Nguyên thủ nước khác, các đồng chí lãnh đạo… lúc lại đơn sơ như khi Bác kéo lưới, chẻ củi... nhưng có điểm chung là Người trong những bức họa đó rất bình dị, rất chan hòa tình yêu thương dành cho nhân dân Việt Nam và nhân dân trên toàn thế giới.

“Với tôi điều khó nhất khi vẽ Bác Hồ chính là thần thái và ánh mắt của Bác. Ánh mắt của Người sáng và vô cùng hiền hậu nên có những tác phẩm tôi mất rất nhiều thời gian để thể hiện điều này. Tôi mong muốn những bức tranh của mình sẽ giúp kiều bào Việt Nam tại Thái Lan cũng như những người Thái có cái nhìn trực quan, hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kiệt xuất của Việt Nam và thế giới”, họa sĩ Đào Trọng Lý nhấn mạnh.

Họa sĩ Vi Văn Bích (tức Ngọc Linh) xúc động khi nhìn những bức tranh về Bác.

Họa sĩ Vi Văn Bích (tức Ngọc Linh) xúc động khi nhìn những bức tranh về Bác.

Triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ” thể hiện tinh thần yêu nước, tấm lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh của cộng đồng Việt kiều nói chung, cộng đồng Việt Kiều tại Vương quốc Thái Lan, cộng đồng Việt kiều tỉnh NakhonPhanom và cá nhân Họa sĩ Đào Trọng Lý nói riêng tưởng nhớ và biết ơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là cơ hội để công chúng trong nước và quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.

Triển lãm mở cửa từ ngày 17 đến hết ngày 22/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ba Đình, Hà Nội). Sau khi kết thúc sự kiện, 55 bức tranh sẽ được họa sỹ Đào Trọng Lý dành tặng bảo tàng.

Một số bức ảnh được trưng bày tại triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”:

Tác phẩm "Cố thủ tướng Thái Lan Pridi và Bác Hồ ở Hà Nội, năm 1960"

Tác phẩm "Những ngày ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự chẻ củi, nấu ăn". Người luôn giữ cách sống giản dị, khiêm nhường, gần gũi với đồng bào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trên đường đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại chiến khu Việt Bắc, tháng 2/1951.

Tác phẩm "Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân Hợp tác xã Cầu Thành, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau cải cách ruộng đất (1954)".

Tác phẩm "Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp hình lưu niệm với thiếu nhi Việt Bắc, ngày 03/03/1953".

Đào Thu Trang

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bac-ho-trong-tranh-cua-hoa-sy-viet-kieu-375631.html