Ấn tượng về vùng đất Giang Nam, Trung Hoa

Cách đây hơn ba năm, tôi được tham gia Đoàn công tác cấp cục, vụ, sở của Việt Nam gồm 36 thành viên đi nghiên cứu, học tập mô hình quản trị nhà nước của các tỉnh, thành phố phía Nam Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chương trình tổ chức khá bài bản, do Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thiết kế, nhưng ấn tượng nhất đối với chúng tôi là được đặt chân đến vùng đất sông nước Giang Nam mà trước đây chỉ có thể cảm nhận qua phim ảnh cổ Trung Hoa.

Hấp dẫn Hàng Châu, Ô Trấn gọi mời…

Người chúng tôi tiếp xúc đầu tiên ở thành phố Hàng Châu là Tiến sĩ Hàn Phương. Chị là giảng viên Khoa Kinh tế học, Trường Đảng Thành ủy Hàng Châu. Buổi đầu gặp gỡ, chị nói rằng người Trung Quốc có câu “Trên trời có thiên đàng, hạ giới có Tô Hàng” để nói về vẻ đẹp của Tô Châu, Hàng Châu. Tôi hiểu chị rất tự hào về mảnh đất quê hương xinh đẹp của mình.

Tác giả đón sinh nhật tại thành phố Gia Hưng - Ảnh: NGUYỄN SỰ

Tác giả đón sinh nhật tại thành phố Gia Hưng - Ảnh: NGUYỄN SỰ

Hàng Châu là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Triết Giang, nằm ở phía Nam châu thổ sông Trường Giang, bờ biển phía Đông Nam Trung Quốc. Dòng sông lớn nhất chảy qua tỉnh này là sông Tiền Đường, “dòng sông định mệnh” được nhắc đến trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Triết Giang là nơi cội nguồn văn hóa Ngô - Việt, là một trong những cái nôi của văn minh cổ đại Trung Hoa. Vùng đất này có văn hóa Hà Mẫu Độ cách đây 7.000 năm, văn hóa Mã Gia Bân cách đây 6.000 năm và văn hóa Lương Chữ cách đây 5.000 năm, là vùng sông nước Giang Nam điển hình, được gọi là “quê hương đông cá nhiều gạo”, “thủ phủ về tơ lụa”.

Hai thành phố Tô Châu, Hàng Châu được xem là chốn tiên cảnh nơi trần thế. Các ngã đường thành phố phủ một màu xanh, không khí trong lành, mát mẻ. Nằm trong chương trình khảo sát, chúng tôi đi thăm mô hình thành phố thông minh; thị trấn du lịch mơ ước; các công trình văn hóa được trang bị công nghệ thông tin hiện đại giới thiệu về lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc nằm bên sông Tiền Đường. Ấn tượng nhất là thăm thắng cảnh Tây Hồ lúc chiều muộn.

Đây là nơi chúng tôi khảo sát chuyên đề “Sự hài hòa giữa phát triển đô thị với bảo vệ môi trường sinh thái Tây Hồ”. Đến đây, đập vào mắt mọi người là cảnh du khách nườm nượp đổ về thăm thú, vãn cảnh Tây Hồ, nơi được ví là viên ngọc quý của miền đất Giang Nam. Khách đến đây, ai cũng muốn có một bức ảnh buổi hoàng hôn với những cây liễu rủ ven hồ.

Và đêm về mọi người dành thời gian để tìm đến phố Thanh Hà. Phố đi bộ tấp nập dòng người mua sắm. Cửa hàng cửa hiệu trên phố hiện đại nhưng vẫn mang nét cổ xưa, từ quán rượu, gian bán hàng lưu niệm, thời trang; nhiều góc phố có bàn viết thư pháp; người chạm khắc gỗ, khắc bạc; thổi thủy tinh; các nghệ sĩ hát trên đường phố.

Điểm cuối cùng các du khách không thể không dừng chân ở Hàng Châu là phố bán hàng tơ lụa. Chúng tôi ghé mua một người một lốc khăn lụa để làm quà cho người thân ở nhà với đủ màu sắc, hoa văn trông rất đẹp mắt, giá cả lại phải chăng.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp khoa học công nghệ và công cuộc cơ cấu biến đổi ngành công nghiệp mới, thành phố Hàng Châu nói riêng, tỉnh Triết Giang nói chung coi nền kinh tế số là “công trình hàng đầu”; ra sức thúc đẩy “công nghiệp hóa về số” và “số hóa ngành công nghiệp”.

Đến nay, Triết Giang có 113 trung tâm công nghệ doanh nghiệp, 3.178 doanh nghiệp công nghệ cao, 10.539 doanh nghiệp vừa và nhỏ; được bình chọn là khu thí điểm phát triển nền kinh tế số của quốc gia. Trong thời gian lưu lại ở đây, chúng tôi được đến thăm đại bản doanh của tập đoàn Alibaba, đặc biệt là tiếp cận công nghệ đám mây Ali-Yun 2.0 được xem là “bộ não” của thành phố.

Rời Hàng Châu, đoàn chúng tôi đến thành phố Gia Hưng. Tại đây, cán bộ Học viện Hồng Thuyền đưa đoàn đi khảo sát thực tế Công viên Nam Hồ, nơi chào đời tư tưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc mà ngày nay người Trung Quốc có câu “Không quên nguyện ước ban đầu” để nhắc nhớ về lý tưởng của đảng buổi đầu; thăm nhà kỷ niệm cách mạng Nam Hồ, hội trường nơi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc; khảo sát thực tế văn hóa Thủy Hương Giang Nam (vùng sông nước); tham quan khu phố lịch sử Nguyệt Hà…

Có lẽ ấn tượng nhất là khi chúng tôi đến thăm Ô Trấn, là thị trấn cổ được hình thành từ thời giao tranh hai nước Ngô - Việt, được bảo tồn hơn ngàn năm đặc sắc văn hóa Thủy Hương Giang Nam. Nơi đây từng diễn ra Đại hội Internet thế giới vĩnh cửu năm 2014 với sự tham gia của hơn 100 nước trên thế giới.

Ô Trấn có lịch sử hơn 1.300, nằm bên kênh Kinh trong vùng châu thổ sông Dương Tử của tỉnh Triết Giang. Tuy không có vẻ đẹp nguy nga tráng lệ nhưng thị trấn mang nét đẹp cổ điển, tinh tế trong từng đường nét với cảnh sắc thiên nhiên hài hòa. Thị trấn được quản lý chặt chẽ, đường phố sạch sẽ, lát đá xanh, hầu như không thấy một cọng rác. Phố nằm hai bên sông đào có những cây cầu nhỏ bắc qua. Vào Ô Trấn, có cảm giác gần gũi như đi dạo phố cổ Hội An ở Việt Nam, nhưng Ô Trấn có quy mô lớn hơn.

Nhịp sống nơi đây tưởng êm đềm, chậm rãi, nhưng đi sâu vào trong vẫn rất sôi động, có các quán cà phê, quán bar đẹp, dẫn dụ mọi người đến đây, vừa nhâm nhi cốc cà phê hay tách trà nóng vừa nhìn bờ sông qua cửa sổ, thấy làn nước như chạm vào mép nhà. Thì ra thị trấn cấm bày biện hàng hóa bên ngoài để đảm bảo giao thông, mỹ quan đô thị, tất cả các dịch vụ đều nằm gọn trong nhà.

Đã 1.300 năm trôi qua nhưng Ô Trấn vẫn duy trì cách phân chia các phường như thuở xưa, gồm những làng nghề truyền thống, làng ẩm thực, làng bán đồ uống và chợ ven sông.

Khách du lịch đến đây ngoài thăm các xưởng nghề truyền thống, các ngôi đền cổ, bảo tàng văn hóa… thể nào cũng tìm cách thưởng thức một trong những món ăn nổi tiếng của Ô Trấn, như bánh xèo, cá chép xào chua ngọt, cá sốt xì dầu, thịt kho Tô Đông Pha, vịt nấu niêu hoặc vịt quay...

Một lần đến vùng đất Giang Nam, được đi thăm Ô Trấn là một trải nghiệm hiếm có, vì cổ trấn này được xếp hàng đầu trong số 6 cổ trấn đẹp nhất phía Nam sông Dương Tử. Dù đã rời xa nơi này thì vẻ đẹp trầm sâu độc đáo, các món ăn thanh nhã vùng Giang Nam, hình ảnh những cây cầu cổ, những ngôi nhà mái xám tường trắng nhỏ xinh như trong tranh thủy mặc vẫn in dấu trong tâm trí của bao người. Nhiều người nói Ô Trấn vừa gọi mời, vừa níu giữ hồn người đi vì những vẻ đẹp sâu lắng, hài hòa ít nơi nào có được.

Và những người bạn thân thiện

Trước đó, chuyến bay từ Hà Nội đến thành phố Thâm Quyến, rồi từ Thâm Quyến chuyển tiếp về thành phố Nam Ninh, chúng tôi được xe đón về tòa nhà Bác Văn Viên của Trường Đảng Khu ủy Quảng Tây đã hơn 24 giờ đêm. Được biết múi giờ thành phố Nam Ninh có chênh một tiếng đồng hồ so với ở Việt Nam.

Ngay từ buổi đầu tiếp xúc với các bạn Trung Quốc, chúng tôi đã cảm nhận được sự thân thiện. Biên dịch viên cao cấp Long Biến Hồng, giảng viên tiếng Việt, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa Đông Nam Á, Học viện Ngoại ngữ Quảng Tây nói với chúng tôi rằng chị chờ đợi cuộc gặp này lâu lắm rồi. Chúng tôi hiểu, vì những lý do khác nhau, chuyến đi của đoàn chúng tôi có lùi lại một thời gian.

Đêm phố cổ Nguyệt Hà - Ảnh: M.T

Đêm phố cổ Nguyệt Hà - Ảnh: M.T

Có một chi tiết làm mọi người nhớ mãi. Hôm đó trước giờ vào giới thiệu chuyên đề: “Tình hình cơ bản về đi sâu cải cách cơ quan và thể chế chế hành chính”, Trưởng khoa Quản lý cộng đồng Trường Đảng Khu ủy Quảng Tây, Giáo sư Đàm Anh Tuấn có một cử chỉ gần gũi. Lướt qua phòng họp thư viện của trường, ông đến bàn của chị Đàm Minh Thu, Phó Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và nói rằng, ít nhất trong phòng họp này ông cũng có một người họ hàng.

Thế rồi ông đi vào chuyên đề một cách tự nhiên, cởi mở, từ công tác xây dựng hệ thống hành chính đến công việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ở Trung Quốc người ta gọi là chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”.

Khi cần, ông cũng có những liên tưởng trực quan, như khi nói về xã hội Trung Quốc đang hạn chế dùng tiền mặt, ông rút ví trong túi ra nói rằng chiếc ví này của ông chỉ chứa các loại thẻ, tuyệt nhiên không có đồng tiền mặt nào. Đây cũng là cách quản lý tài sản của cán bộ, đảng viên của phía Trung Quốc.

Những lời giáo sư Đàm Anh Tuấn nói chúng tôi soi chiếu vào thực tiễn khi đi khảo sát thực tế Trung tâm dịch vụ hành chính công thành phố Nam Ninh thấy đúng.

Cứ tưởng tượng xem một tỉnh có dân số hơn 50 triệu người, ở các trung tâm dịch vụ người vào ra tấp nập nhưng ai cần việc gì thì tự làm việc đó, công nghệ thông tin phát triển đến mức nhiều khâu thủ tục hành chính đều tự động.

Chẳng hạn như bạn đến trung tâm dịch vụ hành chính công để làm hộ chiếu, phải vào phòng tự chụp ảnh, điền thông tin vào mẫu có sẵn trên máy tính, tự dán ảnh, nộp qua một cửa; nộp lệ phí, lấy biên nhận, có hẹn ngày giờ lấy.

Đến ngày giờ hẹn, người dân tự đến lấy giấy tờ nằm ở ngăn trả hồ sơ. Các loại giấy tờ khác cũng thực hiện tương tự, nghĩa là người dân rất ít tiếp xúc với nhân viên hành chính; ở đây chỉ có những nhân viên hướng dẫn hỗ trợ cho người dân đến thực hiện dịch vụ cá nhân, doanh nghiệp…

Còn nhớ hôm đến thành phố Gia Hưng, đoàn chúng tôi được thông báo ngày 6 tháng 12 năm 2019, lãnh đạo thành phố sẽ mở tiệc chiêu đãi đoàn công tác Việt Nam, nhưng hôm sau lại nhận thông báo thay đổi, sẽ đẩy lên sớm một ngày, tức ngày 5 tháng 12.

Khi đoàn chúng tôi đến tòa thị chính, Quỳnh Anh ở Bộ Ngoại giao Việt Nam, phiên dịch cho đoàn báo với tôi rằng phía bạn muốn xác nhận sự tham gia bữa tiệc của tôi và vị trí chỗ ngồi ở bàn tiệc.

Vào tiệc, rất bất ngờ là sau khi lãnh đạo thành phố Gia Hưng và lãnh đạo đoàn công tác Việt Nam phát biểu chào mừng, đèn điện trong phòng bỗng vụt tắt. Giai điệu bài hát chúc mừng sinh nhật vang lên. Phía lễ tân đẩy chiếc bàn có bánh sinh nhật và quà tặng đến bên tôi. Tôi thổi nến trong tràn ngập tiếng vỗ tay và lúc này điện trong phòng bật sáng.

Thông qua chuyển ngữ của Quỳnh Anh, tôi bày tỏ lời cảm ơn đến lãnh đạo thành phố Gia Hưng, cảm ơn các anh chị em trong đoàn công tác Việt Nam về vinh dự được đón sinh nhật tại thành phố xinh đẹp, mến khách, giàu truyền thống văn hóa và lịch sử này. Phó Thị trưởng Gia Hưng - ngài Vương Đạo đã nâng cốc chúc mừng sự kiện quan trọng này gắn với sinh nhật của tôi - một thành viên trong đoàn. Tôi cảm ơn và nói với ngài phó thị trưởng rằng sẽ nhớ mãi kỷ niệm này cùng với những cảm nhận về chiều sâu vùng Giang Nam xinh đẹp, về nền văn hóa Trung Hoa và có dịp tôi sẽ trở lại thành phố này…

Trong những ngày đi học, khảo sát thực tế ở các tỉnh, thành phố phía Nam Trung Hoa, từ thành phố Nam Ninh đến thành phố Hàng Châu, Gia Hưng, chúng tôi có thiện cảm với Phù Văn Hổ (A Hổ), phiên dịch của phía bạn theo đoàn.

A Hổ người dân tộc Choang, anh nhận dân tộc mình là người Tày, Nùng ở Việt Nam; hai dân tộc này có cùng ngôn ngữ, phong tục tập quán với dân tộc Choang. A Hổ sinh năm 1967, đẹp trai, vui tính, đang giảng dạy tiếng Việt ở Trường Đại học dân tộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây.

A Hổ có nền hiểu biết sâu về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Trong phiên dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt, A Hổ có đủ vốn từ vựng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để chuyển ngữ. A Hổ còn biết chuyện vua Quang Trung ngày xưa còn có ý định sang lấy Quảng Đông, Quảng Tây về cho Việt Nam…

Mọi người trêu A Hổ đẹp trai, nói năng có duyên thế chắc có người yêu rồi, Hổ cười khiêm tốn nói mình có tâm mà không có tầm, nghĩa là có ý nhưng chưa có ý trung nhân. Có A Hổ cùng đi suốt cả hành trình, hôm nào dịch chuyển trên xe mọi người cũng đem Hổ ra “làm mồi” trêu đùa, làm cho những chặng đường đi qua rộn rã tiếng cười. Nhưng hôm A Hổ và các thành viên trong ban dự án đưa tiễn đoàn Việt Nam ở sân bay Phố Đông, Thượng Hải, ai cũng lặng đi vì phút chia tay cận kề. A Hổ và các thành viên trong ban dự án hẹn rằng đã có điện thoại của nhau, sau này có dịp sang Việt Nam hay các bạn Việt Nam sang Trung Quốc thì nhớ gọi điện thoại, tìm gặp lại nhau.

Trưởng đoàn công tác Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thành, Phó Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng giục mãi mà các bạn đi tiễn vẫn không chịu về. A Hổ nói rằng khi nào phía bạn thấy máy bay của đoàn Việt Nam cất cánh mới quay về. Có đi mới thấy ở đâu cũng có những người bạn thâm tình!

Đông Hà, tháng 5/2023

Minh Tứ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/an-tuong-ve-vung-dat-giang-nam-trung-hoa/177202.htm