Ai thao túng thị trường vàng?

Tính đến thời điểm cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 7 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó có 3 phiên bị hủy do không có đủ số lượng thành viên tham gia, 4 phiên còn lại thành công với tổng khối lượng trúng thầu 27.200 lượng vàng SJC.

Giao dịch tại một cửa hàng vàng. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Một vấn đề được đặt ra là tại sao cung vàng bơm ra, nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục thất thường và không hạ nhiệt. Vậy cầu vàng có phải từ người dân quá lớn, hay có bàn tay nào đang thao túng thị trường vàng? Để phân tích nhằm hiểu rõ hơn về vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. LÊ ĐẠT CHÍ, Đại học Kinh tế TPHCM.

PHÓNG VIÊN: - Thưa TS vẫn là câu chuyện “mới mà cũ, cũ mà mới” về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đã làm đau đầu cho cơ quan quản lý tưởng “dễ mà khó”. TS. lý giải vấn đề cung cầu này như thế nào?

TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Đúng, bất kỳ một mặt hàng nào giá cả không cân bằng đều do thiếu hụt một bên cung hay cầu. Vàng đang mất cân đối từ phía cung, nhưng sự mất cân đối này chỉ diễn ra từ cung vàng miếng SJC. Do vậy, trước khi chúng ta bàn về giải pháp đáp ứng nguồn cung vàng phải xem cầu vàng này như thế nào.

Chúng ta thường đề cập đến cầu vàng trong dân, mà quên đi khía cạnh cầu vàng đến từ các công ty kinh doanh vàng. Hiện không có dữ liệu chính thức từ hệ thống các công ty kinh doanh vàng, do hầu hết các công ty này không niêm yết trên thị trường chứng khoán nên không cung cấp báo cáo tài chính. Nhưng cũng có thể biết được với những thương hiệu vàng lớn, nếu cơ quan thuế làm phép thống kê lượng vàng tồn kho của họ những năm qua tăng đến mức nào.

Chẳng hạn, khi soi báo cáo tài chính một công ty kinh doanh vàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, chúng ta dễ nhận thấy lượng vàng tồn kho của công ty này đã tăng 100% trong những năm gần đây. Do vậy, có thể giả định cầu vàng này đến từ chính những công ty kinh doanh vàng chứ không phải chỉ người dân. Từ đây tạo nên sự khan hiếm và mất cân đối cung cầu vàng ngày càng tăng, đẩy giá vàng tăng cao hơn nhiều so với giá thế giới.

Do vậy, trước khi nói về cung vàng trong nước, cần giảm cầu vàng đầu cơ tích trữ từ chính hệ thống công ty kinh doanh vàng mới giúp giảm áp lực về vàng. Bởi với các công ty kinh doanh vàng, dòng tiền để đầu cơ sẽ rất lớn, họ rất dễ vay vốn từ ngân hàng để mua vàng thông qua các hợp đồng tín dụng với tài sản vàng tồn kho thế chấp. Một công ty kinh doanh vàng có thương hiệu dễ dàng vay hàng ngàn tỷ đồng để mua vàng, thì cung nào đáp ứng đủ.

Như vậy có thể nói, không có nguồn cung nào đáp ứng cho đủ cầu vàng của hệ thống này, khi mà quy định của NHNN cho hoạt động vay nợ này được xem như tài sản không rủi ro. Nếu trước áp lực của thị trường vàng, NHNN chỉ cần điều chỉnh hệ số rủi ro này ngang bằng cho vay bất động sản, hệ số rủi ro 200% thì chắc cầu vàng sẽ giảm hẳn đi.

Nên nhớ, hơn 10 năm qua NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng, trong khi các công ty kinh doanh vàng vẫn tăng lượng vàng tồn kho. Vậy câu hỏi đặt ra là công ty kinh doanh vàng mua vàng từ đâu để tăng lượng vàng tồn kho lớn như vậy? Suy luận dễ dàng nguồn vàng này có nguồn gốc từ đâu. Đây chính là mấu chốt cho việc thanh tra công ty kinh doanh vàng mà Bộ Công an cần làm rõ.

- Vậy phải chăng NHNN đã thất bại trong việc điều hòa cung cầu thị trường vàng?

- Trong nhiều bài viết trước đây tôi đã đề cập, việc NHNN đứng ra đáp ứng nguồn cung vàng bằng đấu thầu vàng miếng sẽ không thể là giải pháp khả thi. Nếu thị trường thiếu nguồn cung vàng miếng, thì cho phép các công ty kinh doanh vàng chuyển vàng nguyên liệu để gia công vàng miếng SJC. Hơn 10 năm qua, hiện tượng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn có năm giá trong nước cao hơn giá thế giới, chứ đâu phải do Nghị định 24 tạo ra bất cập.

Giảm cầu vàng đầu cơ tích trữ từ chính hệ thống công ty kinh doanh vàng mới giúp giảm áp lực về vàng. Bởi với các công ty kinh doanh vàng, dòng tiền để đầu cơ sẽ rất lớn, họ rất dễ vay vốn từ ngân hàng để mua vàng thông qua các hợp đồng tín dụng với tài sản vàng tồn kho thế chấp.

Hiện nay, chúng ta đang hiểu không đúng do việc sản xuất vàng miếng độc quyền SJC tạo nên sự thiếu hụt, nên nhiều đề xuất bỏ độc quyền sản xuất. Nên nhớ mỗi một quốc gia cần chuẩn hóa chất lượng vàng và có một loại vàng chất lượng lưu hành, nên vàng miếng SJC là một tiêu chuẩn của Việt Nam.

Vấn đề hiện nay việc sản xuất vàng miếng SJC chỉ được thực hiện từ nguồn vàng của NHNN là chưa hợp lý, cần cho phép các công ty kinh doanh vàng thực hiện gia công vàng của họ thành miếng SJC từ nguồn vàng hợp pháp. Từ đây lượng vàng miếng SJC được gia công sẽ tạo thêm nguồn cung, giúp thị trường cân bằng mà không cần NHNN can thiệp bằng đấu thầu.

Nếu NHNN muốn can thiệp phải thực hiện cả 2 phía cung và cầu. Còn hiện tại NHNN chỉ can thiệp một phía từ cung vàng nên không hiệu quả, vì giải pháp này chỉ làm “vàng hóa” nền kinh tế, ngoại tệ bị mất đi, tiềm lực tài chính và an ninh tài chính của quốc gia suy giảm. Theo tôi, chính sách can thiệp một phía của NHNN chỉ để: (1) giảm áp lực của giới truyền thông và sức ép từ nhóm lợi ích, (2) đồng thời thể hiện sự quyết tâm trong điều hành của cơ quan quản lý “không làm gì không được”.

- Như vậy đã có sự thao túng thị trường vàng. Vậy theo TS dùng biện pháp nào để giảm thiểu?

- Khi phân tích về phía cầu vàng ở trên, chúng ta đã thấy các công ty kinh doanh vàng đang nắm giữ phần lớn lượng vàng, nên giải pháp cần tác động vào đối tượng này. Giải pháp trước mắt có lẽ Chính phủ đã nhìn thấy, nên đề nghị Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ khẩn trương vào cuộc.

Hoạt động thanh tra này chỉ cần lần theo việc mua vàng tồn kho của các công ty kinh doanh vàng sẽ cho thấy 2 vấn đề: (1) vàng được mua không rõ nguồn gốc; (2) có khả năng các công ty này đã đầu cơ tích trữ thông qua tăng mua ròng liên tục. Nếu việc tăng mua ròng này cần làm rõ nguồn tiền đến từ đâu, liệu có sự tiếp tay vốn tín dụng của NHTM hay không để xử lý tổ chức tín dụng, và qua đó NHNN nên xem xét xử lý nghiêm hoạt động cho vay này như đã làm với người dân, hoặc chí ít cũng xem hoạt động cho vay này có rủi ro cao như bất động sản.

Về phía NHNN, sau các phiên đấu thầu vàng miếng đến từ các NHTM và công ty kinh doanh vàng, NHNN chỉ cần hậu kiểm nguồn tiền để mua vàng sẽ làm cho nhiều thành viên tham gia đấu thầu vàng co cụm lại. Chỉ cần giải pháp kỹ thuật này, NHNN sẽ có được nhiều phiên đấu thầu vàng để “truyền thông tâm lý” và kết thúc chuỗi ngày “can thiệp” thị trường.

- Theo TS, NHNN cơ quan quản lý trực tiếp về thị trường vàng nên làm gì?

- Thực ra Chính phủ và NHNN cũng đã nói nhiều lần cần sửa đổi Nghị định 24, nhưng sửa nội dung nào trong nghị định vẫn đang là sự tranh cãi, vì tác động của nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Theo tôi, chỉ có 1 chỗ cần sửa và làm rõ, là việc sản xuất vàng miếng SJC cần được điều chỉnh lại, không chỉ từ nguồn vàng của NHNN mà cho phép đến từ các công ty kinh doanh vàng trong nước. Giải pháp này sẽ tạo ra nguồn vàng miếng SJC dồi dào hơn, giúp cho thanh khoản thị trường cải thiện.

Đồng thời, kinh doanh vàng miếng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên việc mua bán vàng miếng phải được thanh toán qua ngân hàng, dù là mua bán qua lại giữa các công ty kinh doanh và người dân. Xét ở góc độ quốc gia, vàng và đặc biệt là vàng miếng thương hiệu quốc gia như SJC, được xem là dự trữ của quốc gia nên lượng vàng miếng mua bán phải được kiểm soát, và NHNN phải biết được lượng vàng này trong dân.

Vàng là lĩnh vực mua bán có điều kiện, nên không có chuyện người dân tự mua bán lẫn nhau. Qua đó tiến hành các chính sách thuế đối với hoạt động đầu tư vàng miếng như bao hoạt động đầu tư khác như bất động sản, cổ phiếu hay trái phiếu để đảm bảo tính công bằng. Tiếp đến, NHNN phải xây dựng lại thị trường vàng một cách có tổ chức giữa NHNN và các thành viên thị trường là NHTM và công ty kinh doanh vàng, để có thể can thiệp 2 phía cung và cầu vàng miếng nhằm điều tiết thị trường này.

- Có ý kiến cho rằng nên thanh tra thẳng vào SJC sẽ có dấu hiệu làm giá từ đây. TS nghĩ sao?

- SJC không phải là tội đồ để thanh tra thẳng vào, mà thanh tra vào những công ty kinh doanh vàng đang đầu cơ tích trữ vàng qua các năm, đặc biệt là 3 năm qua. Các công ty này sẽ có 2 yếu điểm như tôi đề cập ở trên. Một số công ty kinh doanh vàng đã nhìn thấy yếu điểm của mình, nên sớm đóng cửa để tránh làm “con chốt” cho những công ty lớn. Tuy nhiên, để giải quyết cho thị trường vàng hiện nay, cần chú ý đến những công ty lớn và có sự gia tăng đáng kể trong lượng vàng tồn kho của họ.

- Vậy phải chăng nhóm lợi ích muốn xóa bỏ độc quyền vàng SJC, và họ cũng được sản xuất vàng mang thương hiệu của họ. Từ đó dễ nhập khẩu vàng lậu về dập, thay vì đưa cho SJC gia công khó chứng minh nguồn gốc.

- Hiện tại, việc cổ xúy cho việc bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC theo tôi nhằm mục đích “rửa vàng”. Các công ty kinh doanh vàng có cơ hội tẩu tán lượng vàng không rõ nguồn gốc mà họ đã đầu cơ, tích trữ bao nhiêu năm qua trực tiếp hoặc gián tiếp từ vàng nhập lậu.

Mặt khác, một quốc gia phải có tiêu chuẩn vàng thống nhất. Điều này tuyệt đối không thể cho phép bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC được, mà chỉ sửa lại điều kiện sản xuất vàng miếng không chỉ từ NHNN mà từ công ty kinh doanh vàng khác.

- Xin cảm ơn TS.

Chỉ cần sau các phiên đấu thầu vàng miếng đến từ các NHTM và công ty kinh doanh vàng, NHNN hậu kiểm nguồn tiền để mua vàng. Nếu có sự tiếp tay vốn tín dụng của NHTM, NHNN nên xem xét loại bỏ hoạt động cho vay này, xem hoạt động này có rủi ro cao như bất động sản.

TRẦN HẢI (thực hiện)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/ai-thao-tung-thi-truong-vang-post114143.html