Ai là tác giả của bức ảnh nổi tiếng nhất trong Thế chiến thứ hai?

Bức ảnh một chiến sĩ Hồng quân Liên Xô treo cờ búa liềm trên nóc tòa nhà Quốc hội ở Berlin, Đức năm 1945 là một trong những bức ảnh thời chiến nổi tiếng nhất. Tác giả của bức ảnh trên là Evgueni Khaldeï, nhiếp ảnh gia Xô viết và cũng là người duy nhất bao quát toàn bộ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bằng hình ảnh.

Cậu bé với một viên đạn vào ngực

Evgueni Khaldeï sinh ngày 23-3-1917 tại Donetsk, trên lãnh thổ của Ukraine ngày nay. Năm Evgueni một tuổi, những người theo chủ nghĩa bài Do Thái đã nổi lên ở Ukraine và tấn công vào Donetsk. Trong một vụ tấn công, mẹ của Khaldeï đã lấy thân mình che chở cho cậu con trai bé bỏng, nhưng viên đạn đã xuyên qua cơ thể bà và đâm vào ngực của đứa trẻ. Cậu bé may mắn sống sót.

Chụp ảnh là đam mê của Khaldeï từ thời thơ ấu. Anh thường đến một hiệu chụp ảnh ở trong làng, giúp họ làm sạch bản âm. Anh cũng tự làm chiếc máy ảnh đầu tiên từ 2 hộp các tông và một ống kính làm từ mắt kính của bà ngoại. Vào những năm 1930, nạn đói đã hoành hành khắp vùng. Năm 1931, Khaldeï khi đó 14 tuổi đã phải đi làm thợ máy ở ga xe lửa và được đào tạo "tại chỗ". Ở đây, anh mày mò học chụp ảnh. Cứ vào giờ nghỉ là anh đi chụp ảnh và được đăng báo. Khaldeï sau đó được Báo Công nhân Stalin mời cộng tác. Ngoài ra, Khaldeï cũng gửi tác phẩm đến một số tờ báo ở Moscow, trong đó một số ảnh đã được xuất bản.

 Phóng viên chiến trường Evgueni Khaldeï năm 1997. Ảnh: Sputnik.

Phóng viên chiến trường Evgueni Khaldeï năm 1997. Ảnh: Sputnik.

Mùa hè năm 1937, Khaldeï chuyển đến Moscow và bắt đầu làm việc cho TASS - Hãng thông tấn chính thức của Liên Xô. Nhiệm vụ của Khaldeï ban đầu là tìm hiểu các phóng sự ảnh về công nhân ở những trang trại và nhà máy trên toàn quốc. Nhưng vào ngày 22-6-1941, chiến tranh nổ ra và đảo lộn mọi thứ.

Những gương mặt đầu tiên của cuộc chiến

Trưa ngày 22-6-1941, Khaldeï đang ở trong văn phòng TASS thì nghe Ủy viên Hội đồng nhân dân Vyacheslav Molotov phát biểu trên đài phát thanh: "Không đưa ra lời bất bình cho Liên Xô, không tuyên bố chiến tranh, quân đội Đức đã tấn công vào đất nước chúng ta”. Ngay lập tức, Khaldeï cầm máy ảnh đi ra đường và thực hiện một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của mình: “Người dân Moscow nghe đài thông báo sự xâm lược của Đức quốc xã vào Liên Xô”.

 “Người dân Moscow nghe đài thông báo sự xâm lược của Đức quốc xã vào Liên Xô”- Một trong những bức ảnh nổi tiếng của Evgueni Khaldeï. Ảnh: Sputnik.

“Người dân Moscow nghe đài thông báo sự xâm lược của Đức quốc xã vào Liên Xô”- Một trong những bức ảnh nổi tiếng của Evgueni Khaldeï. Ảnh: Sputnik.

Và sau đó, Khaldeï đã có 1.418 ngày chiến tranh, sát cánh cùng những người lính Xô viết. Khaldeï là nhiếp ảnh gia Liên Xô duy nhất đã ghi lại hình ảnh toàn bộ cuộc chiến từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng; và chính Khaldeï thậm chí không mơ rằng mình sẽ làm điều đó.

5 năm chiến tranh

Những đống đổ nát trong các thành phố, hình ảnh người lính Xô viết chiến đấu kiên cường, giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi, thường dân thiệt mạng… Khaldeï chụp tất cả những gì mà anh thấy, bởi đó là “đời thực”. Từ Moscow, Khaldeï vượt qua một nửa châu Âu tới Berlin cùng với những người lính Liên Xô. Nhưng khi vào thủ đô của nước Đức, mọi thứ kết thúc không hào quang như anh từng nghĩ.

“Mọi người cho rằng, sau 1.418 ngày chiến đấu, ngày kết thúc chiến tranh sẽ diễn ra hoành tráng. Nhưng khi chúng tôi tới Nhà Quốc hội Đức (tòa nhà Reichstag) ở Berlin, chỉ có màu đen của muội than, khói và sự im lặng đáng kinh ngạc”, nhiếp ảnh gia nhớ lại ngày kết thúc trận chiến Berlin.

Vào thời điểm khi Khaldeï và các đồng nghiệp tới Reichstag, toàn bộ Nhà Quốc hội Đức đều treo biểu ngữ chiến thắng của Liên Xô. Để có được bức ảnh nổi tiếng về một chiến sĩ Hồng quân Liên Xô treo cờ búa liềm trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu. Lá cờ được Khaldeï đặt may tại Moscow bởi một thợ may lành nghề. Ngay từ sáng sớm ngày 2-5, Khaldeï đã yêu cầu 3 chiến sĩ Hồng quân trẻ leo lên nóc nhà Quốc hội Đức. Sau đó anh cẩn thận tìm địa điểm cắm cờ và góc chụp ảnh tốt nhất. Chọn đúng góc độ, anh dùng hai cuộn phim để chụp. Biểu tượng của Chiến thắng vĩ đại đã ra đời từ đó.

 Bức ảnh làm lên tên tuổi của Evgueni Khaldeï. Ảnh: Sputnik.

Bức ảnh làm lên tên tuổi của Evgueni Khaldeï. Ảnh: Sputnik.

Sau này, Khaldeï còn chụp được nhiều bức ảnh nổi tiếng khác như: Hội nghị Potsdam; đại diện nước Đức quốc xã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện phe đồng minh (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp); cuộc diễu hành Chiến thắng đầu tiên vào Quảng trường Đỏ...

Sau chiến tranh, Khaldeï được công nhận là một trong những nhiếp ảnh gia giỏi nhất Liên Xô, được trao nhiều huân, huy chương, trong đó có Huân chương Ngôi sao Đỏ.

Thời gian sau đó, trong các cơ quan chính phủ xuất hiện tình trạng bài người Do Thái. Năm 1946, một nỗ lực đã được thực hiện để đuổi Khaldeï khỏi TASS, với lý do anh từ chối trao phần còn lại của những bức ảnh mà anh đã chụp được trong chiến tranh. Khaldeï bị gọi là nhà báo “tầm thường” và tự phụ. Năm 1948, ông đã bị cách chức với lý do “công việc của tòa soạn ở Moscow bị cắt giảm”. Nói cách khác, ông bị sa thải.

 Một bức ảnh hiếm về quân đội Xô viết ở Berlin tháng 5-1945 của nhiếp ảnh gia Evgueni Khaldeï. Ảnh: Sputnik.

Một bức ảnh hiếm về quân đội Xô viết ở Berlin tháng 5-1945 của nhiếp ảnh gia Evgueni Khaldeï. Ảnh: Sputnik.

Trong 11 năm sau đó, Khaldeï trở thành người lao động bình thường. Từ năm 1959 cho đến lúc về hưu năm 1976, ông là phóng viên ảnh được ít người khác để ý. Cho đến ngày 9-5-1995, kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức, tên tuổi của ông mới được mọi người nhắc đến. Năm đó, Khaldeï, theo lời mời đặc biệt của Tổng thống Pháp, đã đến Lễ hội ảnh thế giới ở Perpignan. Tại đây, ông được trao tặng một trong những giải thưởng danh giá nhất của nước Pháp - Danh hiệu Hiệp sĩ Huân chương Nghệ thuật và văn học (Chevalier de l'Ordre des Arts et des Lettres).

Sáu tháng trước khi mất vào cuối tháng 5-1997, một bộ phim tài liệu về nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Khaldeï đã được phát sóng ở châu Âu và một cuốn sách đã được phát hành ở Mỹ. Dù là nạn nhân của chủ nghĩa bài Do Thái nhưng tên tuổi của ông sống mãi trong lòng bạn bè, đồng nghiệp. 100 bức ảnh của ông triển lãm tại Pháp năm 1995 là một minh chứng hùng hồn.

HÒA AN(theo Russia Beyond)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ai-la-tac-gia-cua-buc-anh-noi-tieng-nhat-trong-the-chien-thu-hai-617442